Thật đáng sợ khi sự dối trá đã trở thành thói quen, mục đích sống, nó quen thuộc đến mức cứ tưởng nói dối là nói thật, không phân biệt được đâu là thật, đâu là dối.
Liên quan đến kết quả không trung thực của Kỳ thi THPT Quốc gia 2018 ở một số địa phương gây bức xúc dư luận thời gian qua. Cộng với thói quan gian dối đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, nhiều góc cạnh của đời sống xã hội hiện nay. Có thể nói, sự dối trá đang ngự trị, đang trở thành một “vấn nạn” khiến cho chúng ta, cũng như những người có trách nhiệm không thể không suy nghĩ.
Còn nhớ, một kết quả của cuộc khảo sát do GS.TSKH Trần Ngọc Thêm - Giám đốc Trung tâm văn hóa học lý luận và Ứng dụng (thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và cộng sự thực hiện đã khiến cho xã hội ít nhiều bị bất ngờ, đó là: Tỷ lệ nói dối ở học sinh bậc tiểu học là 22%; ở bậc THCS là 50%; ở bậc THPT là 64% và ở bậc đại học là 80%.
Có thể bạn quan tâm
11:34, 18/07/2018
05:00, 18/07/2018
08:02, 12/06/2018
02:18, 12/06/2018
Thật ra, bản chất của những lời nói dối không hẳn là quá xấu. Ông bà ta có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Câu nói này cũng là có ý khuyên chúng ta cần phải biết lựa lời, cẩn trọng trong lời nói của mình. Vì đôi khi những lời nói thẳng nói thật còn khiến người khác khó chịu và đau lòng hơn những lời nói dối.
Đôi khi, nói dối là cách để người ta tránh đi sự thật tàn nhẫn mà không muốn dối diện ngay lúc này. Nói dối là cách để đối phương cảm thấy vui, nói dối để bắt đầu một câu chuyện thú vị và làm quen một người bạn mới. Đó là những lời nói dối vô hại, những lời nói dối có ích…
Tuy nhiên, thói quen nói dối đang tồn tại ở không ít người trong nhiều lĩnh vực đời sống, gây những tác hại nhất định lên chính cuộc sống chúng ta.
Nổi cộm ngay trước mắt chúng ta là sự dối trá diễn ra ở lĩnh vực đào tạo con người. Đỉnh điểm là kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2018, một số địa phương (Hà Giang, Sơn La…), bố mẹ dối trá dùng tiền mua điểm cho con, thầy cô dùng thủ đoạn để làm điểm đẹp… Đó là chưa nói đến chuyện học trò lớp 5, lớp 6 không viết nổi tên mình vẫn được lên lớp.
Học sinh sống trong một môi trường có nhiều sự dối trá, lọc lừa như vậy liệu có trở thành công dân tốt? Bản thân các em bây giờ đang là nạn nhân, nhưng sau vài năm nữa khi các em trưởng thành sẽ áp dụng cách làm của người đi trước để đạt được mục tiêu dễ dàng nhất.
Quan trường thì bằng giả, học giả bằng thật, lý lịch giả, lên chức giả bằng tiền rồi tham nhũng để “thu hồi vốn” và thu lãi.
Công trình xây dựng thì kê khai khống khối lượng, rút lõi, công trình đưa vào sử dụng hôm nay, ngày mai đã xuống cấp. Ngành Y thì bán thuốc giả, vắc xin giả... Ngành nông nghiệp thì phân bón giả, thuốc bảo vệ thực vật giả...
Vòng xoáy của đồng tiền đã khiến nhiều gia đình không đủ thời gian để quan tâm đến nhau. Chúng ta mải miết đi tìm những giá trị ảo mà quên đi đời sống thực. Nói theo ngôn ngữ của giới trẻ chính là “sống ảo”. Điều này khiến người ta chìm đắm vào con người hào nhoáng mà mình tự bịa đặt trên mạng mà quên đi cuộc sống thật bên ngoài..v..v. Thế nên, không ít người tự vấn và cũng tự trả lời được: Tại sao xã hội ngày càng phát triển thì con người ta lại càng xa cách nhau hơn?
Người phương Tây có câu rất hay rằng: “Trong một bầy quạ, thì con bồ câu chính là con quạ. Trong một đám người say, thì người tỉnh chính là người say”. Chúng ta có lẽ ai cũng từng nghe tới câu chuyện của một chú bé chăn cừu vì muốn trêu chọc mọi người nên đã nói dối rằng có sói. Sau nhiều lần như vậy thì mọi người bắt đầu không còn tin tưởng chú nữa. Điều đó đã dần tới hậu quả đáng buồn là khi có bầy sói thật tới thì không còn ai tin vào những tiếng kêu giúp của chú nữa.
Kể ra, nói ra thì biết bao cho đủ, cho vừa. Có điều, trong một xã hội mà sự dối trá đã trở thành văn hóa, thành lẽ sống và mục đích sống. Nói dối đã trở thành quen thuộc đến nỗi cứ tưởng nói dối là nói thật, thì những người thật thà, trung thực, chất phác chắc chắn sẽ bị đám đông ghẻ lạnh, hắt hủi, sẽ trở thành một thiểu số cô đơn.
Cái nguy cơ này đã và đang hiện hữu ngày một phổ biến trong cuộc sống. Trước tiên, các nhà quản lý, những người có trách nhiệm trực tiếp hãy một lần trăn trở, và nếu đã trăn trở rồi thì xin hãy hành động một cách thiết thực hơn.