Sửa đổi tên “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”

DIỄM NGỌC - Ảnh: QUỐC TUẤN 30/12/2021 15:46

Qua đánh giá thực tiễn thực hiện Điều lệ 2016, VCCI nhận thấy cần đổi tên “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

>>Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng là sứ mệnh của VCCI

Tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026, bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SEABANK, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Uỷ viên Ban chấp hành VCCI đã báo cáo về việc sửa đổi Điều lệ 2016 Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Seabank, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Uỷ viên Ban chấp hành VCCI

Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Seabank, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BRG, Uỷ viên Ban chấp hành VCCI.

Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư tại Công văn số 13603-CV/VPTW ngày 23/10/2020 của Văn phòng Trung ương thông báo ý kiến của Ban Bí thư về chủ trương tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII (nhiệm kỳ 2021-2026), trong đó có yêu cầu “đổi Tên gọi của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và rà soát, sửa đổi Điều lệ VCCI cho phù hợp với tính chất của một đoàn thể nhân dân, một hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ”, Đảng đoàn và Ban chấp hành VCCI khoá VI đã chỉ đạo triển khai nghiên cứu, đánh giá kết quả thực hiện Điều lệ hiện hành, xây dựng Đề án đổi tên và sửa đổi Điều lệ VCCI trình các cơ quan thẩm quyền. Đoàn Chủ tịch báo cáo Đại hội cụ thể như sau:

Thứnhất, về sự cần thiết sửa đổi Điều lệ 2016, trong nhiệm kỳ vừa qua, bằng việc triển khai đầy đủ, hiệu quả và chặt chẽ các quy định tại Điều lệ 2016, VCCI đã hoàn thành tốt vai trò, trách nhiệm của mình, được các cơ quan Đảng, Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các đối tác trong nước và quốc tế đánh giá cao.

Mặc dù vậy, trong thời gian từ năm 2016 tới nay, một số văn bản, quy định mới của Nhà nước đã được ban hành, ảnh hưởng tới các chức năng, nhiệm vụ liên quan của VCCI. Đồng thời, quá trình triển khai Điều lệ 2016 cũng xuất hiện một số vướng mắc thực tiễn nhất định, đòi hỏi điều chỉnh cho phù hợp như:

Về tên gọi tiếng việt của VCCI, theo Điều lệ 2016, tên tiếng Việt của VCCI là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam. Đây là quy định tiếp nối quy định tại các Điều lệ trước đó của VCCI từ khi thành lập (27/4/1963), được dịch chính xác từ cụm từ phổ biến trong tiếng Anh là “Chamber of Commerce and Industry”.

Tuy nhiên, trong tiếng Việt hiện đại, chữ “Phòng” trong Tên tiếng Việt của VCCI lại mang nhiều ngữ nghĩa khác nhau, trong đó có cách hiểu nhầm lẫn rằng đây là một bộ phận, một đơn vị thuộc hệ thống quản lý Nhà nước. Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư, Tên gọi tiếng Việt của VCCI cần thiết phải được sửa đổi cho phù hợp.

Về chức năng đại diện người sử dụng lao động, Bộ luật Lao động 2019 được Quốc hội thông qua với một số sửa đổi có liên quan trực tiếp tới chức năng, nhiệm vụ về vấn đề này của VCCI, bao gồm: Ghi nhận vai trò “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định” của VCCI (Khoản 4 Điều 7 Bộ luật Lao động); và Bổ sung thêm nhóm chủ thể đại diện người lao động - “tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp” (khoản 3 Điều 3, các Điều 172-174 Bộ luật Lao động).

Về một số vướng mắc về từ ngữ, kỹ thuật, cách diễn đạt, đối chiếu với các quy định pháp luật về hội và rà soát thực tiễn thực hiện Điều lệ 2016 cho thấy có một số nội dung về bộ máy tổ chức, về kỹ thuật soạn thảo văn bản (từ ngữ, cách đánh số điều khoản…) trong Điều lệ 2016 chưa hoàn toàn thống nhất với các quy định, điều khoản mẫu theo pháp luật về hội, hoặc chưa thật chuẩn xác về kỹ thuật, do đó cần được điều chỉnh cho phù hợp.

>>ĐẠI HỘI VCCI LẦN THỨ VII: Vì một cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh!

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026

Toàn cảnh Đại hội Đại biểu Toàn quốc VCCI Lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026.

>> VCCI: Xứng tầm tổ chức Quốc gia đại diện doanh nghiệp

Thứhai, về đề xuất sửa đổi Điều lệ 2016, thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, trên cơ sở rà soát các quy định pháp luật liên quan, đặc biệt là các văn bản pháp luật mới và đánh giá thực tiễn thực hiện Điều lệ 2016, VCCI nhận thấy cần thiết phải sửa đổi Điều lệ này ở 03 khía cạnh với phương án sửa đổi cụ thể như sau:

Một, sửa đổi Tên tiếng Việt của VCCI từ “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”. Qua nghiên cứu, khảo sát lấy ý kiến hội viên, các chuyên gia, cụm từ “Liên đoàn” được đề xuất thay thế cho từ “Phòng” trong Tên tiếng Việt mới của VCCI xuất phát từ các lý do sau:

Từ góc độ pháp lý, Liên đoàn” là một trong các thuật ngữ được sử dụng để gọi tên hội nêu tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 45/2010/NĐ-CP quy định về tổ chức, quản lý và hoạt động của hội;

Từ góc độ lịch sử, cụm từ “Liên đoàn” đã được sử dụng trong tên tiếng Việt của tổ chức đầu tiên của giới công thương sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời năm 1945 - “Công Thương Cứu quốc Đoàn”;

Từ góc độ ngôn ngữ, “Liên đoàn” là tên gọi được dùng cho các tổ chức hội đại diện cho lợi ích của các hội viên;

Từ góc độ quốc tế, nhiều nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,... cũng sử dụng từ này (Federation) để đặt tên các tổ chức đại diện các doanh nghiệp, tương đương như Phòng thương mại.

Cụm từ “Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” được giữ nguyên trong Tên gọi tiếng Việt mới của VCCI nhằm bảo đảm sự tiếp nối liền mạch, không gián đoạn của VCCI trong tất cả các vấn đề. Tên gọi tiếng Anh (Vietnam Chamber of Commerce and Industry) và tên viết tắt (VCCI) vẫn được giữ nguyên, không thay đổi trong Điều lệ mới.

Hai, cập nhật, sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ liên quan tới vai trò tổ chức đại diện người sử dụng lao động của VCCI. Căn cứ quy định của Bộ luật Lao động 2019, VCCI đề xuất phương án cập nhật, sửa đổi các quy định tại Điều lệ về vấn đề này như sau:

Cập nhật, sửa đổi một phần quy định tại khoản 2 Điều 5 Điều lệ 2016 từ chức năng “xúc tiến, thúc đẩy xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa trong các doanh nghiệp” thành chức năng “đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng lao động, tham gia xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định”;

Cập nhật, sửa đổi một phần quy định tại khoản 4 Điều 6 Điều lệ 2016 từ nhiệm vụ “phối hợp với tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, giới sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo quy định hiện hành” thành “phối hợp với các tổ chức đại diện người lao động và các cơ quan, đơn vị hữu quan để hỗ trợ doanh nghiệp, người sử dụng lao động xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định theo quy định của pháp luật”.

Các cập nhật, sửa đổi này được thực hiện trên cơ sở bám sát quy định tại các Điều 3, Điều 7 và các điều khoản liên quan của Bộ luật Lao động 2019.

Ba, các cập nhật, sửa đổi về từ ngữ, kỹ thuật, cách diễn đạt nội dung gồm: Bổ sung 01 quy định chuyển tiếp (Điều 33) về việc chuyển toàn bộ chức năng, nhiệm vụ, quyền, lợi ích, trách nhiệm, nghĩa vụ của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khi Điều lệ mới (có quy định về Tên gọi mới) có hiệu lực thi hành;

Cập nhật, sửa đổi, bổ sung một số quy định, từ ngữ tại 08 điều khoản (Điều 2, 3, 8, 10, 18, 20, 21, 24) để thống nhất với các quy định, điều khoản mẫu trong pháp luật về hội (bao gồm Nghị định 45/2010/NĐ-CP và Thông tư 03/2013/TT-BNV). Trong đó ngoại trừ các cập nhật, sửa đổi về (i) thẩm quyền giải quyết khiếu nại về kết nạp/tước tư cách hội viên của Ban Kiểm tra và (ii) điều kiện tiến hành Đại hội/họp Ban chấp hành hợp lệ cho phù hợp với pháp luật về hội, các điều chỉnh khác cơ bản không làm thay đổi đáng kể nội dung quy định so với hiện tại;

Thực hiện điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định, từ ngữ, điều chuyển vị trí, đánh số lại một số quy định tại 10 điều khoản (Điều 6, 7, 10, 11, 15, 16, 18, 19, 22, 23) cho phù hợp với thực tiễn hoạt động, bảo đảm tính chuẩn xác về kỹ thuật soạn thảo văn bản, không làm thay đổi đáng kể nội dung quy định.

Thứba, ý kiến của các cơ quan liên quan về việc đổi tên, các ban, bộ, ngành trung ương quan đều đã nhất trí việc đổi tên tiếng Việt của VCCI và giữ nguyên tên tiếng Anh để thuận tiện trong giao dịch quốc tế. Ngày 14/1/2021 Văn phòng Trung ương Đảng có Công văn số 14068-CV/VPTW thông báo ý kiến của Ban Bí thư Trung ương Đảng “Đồng ý về chủ trương đổi tên tiếng Việt “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”.

Về sửa đổi Điều lệ, Bộ Nội vụ cũng đã nhất trí với các nội dung sửa đổi Điều lệ VCCI và đồng ý cho phép tổ chức Đại hội để thông qua việc đổi tên và sửa đổi Điều lệ VCCI.

Sau khi biểu quyết, Đại hội đã nhất trí thông qua tên gọi mới: “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” và sửa đổi một số nội dung trong điều lệ mới của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công: Nâng cao hơn nữa vai trò hỗ trợ doanh nghiệp

    15:37, 30/12/2021

  • Đại hội Đại biểu toàn quốc VCCI lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021-2026

    15:22, 30/12/2021

  • Doanh nghiệp vững mạnh - Quốc gia thịnh vượng là sứ mệnh của VCCI

    10:30, 30/12/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa đổi tên “Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam” thành “Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO