Mặc dù ý nghĩa của “sữa học đường” là rất nhân văn nhưng nỗi lo của đa số phụ huynh học sinh hiện nay là hãng sữa, chất lượng sữa chưa được công khai.
Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Hà Nội, ngày đóng thầu đề án sữa học đường sẽ tạm lùi lại vào ngày 10/10 để bổ sung thêm một số nội dung vào hồ sơ đấu thầu. Và hiện nay Sở GD&ĐT Hà Nội đã nhận được hồ sơ tham gia đấu thầu của 11 đơn vị, tăng 4 đơn vị so với công bố trước đó.
Trước đó ngày 06/08/2018 UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số; 4019/QĐ-UBND phê duyệt đề án thực hiện chương trình sữa học đường, cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn Thành phố Hà Nội giai đoạn 2018 – 2020. Mục tiêu của đề án đến năm 2020 chiều cao trung bình của trẻ 6 tuổi sẽ tăng từ 1,5 đến 2 cm so với năm 2010. Góp phần giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi (chiều cao/tuổi) ở trẻ em mẫu giáo xuống dưới 13,5%, trung bình 0,3%/năm; giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở học sinh tiểu học trung bình mỗi năm 0,2%.
Dù công nhận mục đích của chương trình là rất nhân văn, tuy nhiên nhiều phụ huynh vẫn tỏ ra băn khoăn và lo lắng, nhất là hãng sữa nào sẽ được đưa vào trường học thì đến nay vẫn chưa hề được biết.
Một phụ huynh tại khu vực quận Hai Bà Trưng cho biết, trong buổi họp phụ huynh học sinh ngày 30/9/2018 vừa qua, chủ đề “sữa học đường” được nhắc đến đầu tiên. Mặc dù đa số phụ huynh học sinh đều đồng ý ký cam kết tham gia sữa học đường cho con em mình, nhưng lại mù tịt về tên hãng sữa cũng như chất lượng của sữa.
Theo bà Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng trường tiểu học Dịch Vọng B, đề án sữa học đường đã được phụ huynh học sinh đăng ký tự nguyện không ép buộc. Chỉ có một số phụ huynh học sinh băn khoăn là chưa biết hãng sữa, nên nhà trường đã giải thích là HĐND, UBND và Sở GD&ĐT cam kết về chất lượng sữa cho các con. Hiện nay tỷ lệ đăng ký sữa cho các con tại trường đạt 95,7%.
Không thể phủ nhận tính nhân văn và ưu việt của việc triển khai chương trình sữa học đường. Bởi vì ngoài việc sữa phải đảm bảo các điều kiện theo quy định của Bộ Y tế (Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế về việc Quy định tạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng QCVN 5-1:2010/BYT) thì phụ huynh học sinh chỉ phải đóng góp 50%, Doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20% và ngân sách thành phố hỗ trợ 30%.
Tuy nhiên việc kiểm soát chất lượng sữa tại nhà trường, cũng như chưa có thông tin chính thức của nhà cung cấp sữa, đang là những mối lo lắng của đa số phụ huynh học sinh khi đã từng có rất nhiều ca ngộ độc do sữa gây ra.
Để đề án “sữa học đường” triển khai thực thi có hiệu quả thì cần có sự nhận thức đúng đắn của toàn xã hội, quan trọng hơn là sự quyết liệt, minh bạch của các ban, ngành trong việc quản lý, triển khai, giám sát chặt chẽ từ khâu đấu thầu lựa chọn đơn vị cung cấp sữa, tới khâu vận chuyển, đảm bảo sữa đạt tiêu chuẩn an toàn đến từng nhà trường và đến từng em học sinh. Bên cạnh đó thông tin về nhà cung cấp, cũng như chất lượng sữa được công khai trước khi cho triển khai thực hiện, thì chắc chắn sẽ nhận được sự đồng thuận cao của đa số phụ huynh học sinh.