Góp ý Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi), chuyên gia cho rằng, cần có chính sách về đổi mới công tác tài chính và đầu tư...
Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế được Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ 8 với nhiều nhóm chính sách quan trọng về điều chỉnh đối tượng tham gia bảo hiểm, phạm vi được hưởng, đa dạng hóa các gói bảo hiểm y tế… những sửa đổi, bổ sung này được kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập mang tính cấp bách, đảm bảo vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe ban đầu và khám bệnh, chữa bệnh cho người dân.
Đặc biệt, vấn đề về xóa bỏ rào cản địa giới hành chính trong khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) và mở tuyến, thông tuyến với bệnh hiểm nghèo cũng như khắc phục những bất cập, khó khăn để người dân được hưởng các quyền lợi BHYT đầy đủ hơn... nhận được sự quan tâm đặc biệt.
Theo đó, đối với nội dung này, ý kiến kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) có đề nghị Chính phủ “Nghiên cứu cơ chế cho phép người dân được đến bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Thực hiện ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Y tế đã phối hợp với các bộ ngành nghiên cứu, phân tích ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tại Dự thảo đã đưa ra 02 phương án về “cơ chế cho phép người dân được đến bất kỳ cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nào để khám bệnh, chữa bệnh mà không cần phải làm thủ tục chuyển cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
Nhìn nhận về vấn đề này, Ths Phan Hoàng Ngọc Anh - Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, xu hướng mở rộng diện bao phủ, tăng nhanh số người tham gia bảo hiểm y tế vẫn tiếp tục được duy trì trong các năm. Riêng 05 tháng đầu năm năm 2021, lĩnh vực bảo hiểm y tế có số người tham gia bảo hiểm y tế tăng cao hơn so với cuối năm 2020. Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho thấy, tính đến ngày 31/12/2020, toàn quốc có 87,93 triệu người tham gia bảo hiểm y tế, đạt tỷ lệ 90,85% dân số tham gia bảo hiểm y tế.
Tính đến hết tháng 6/2022, cả nước có trên 17,1 triệu người tham gia bảo hiểm xã hội đạt 33,87% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 6,16% so với cùng kỳ năm 2021 (trong đó, số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt gần 1,5 triệu người); gần 14 triệu người tham gia bảo hiểm thất nghiệp đạt 27,55% lực lượng lao động trong độ tuổi, tăng 5,13% so với cùng kỳ năm 2021; trên 86,8 triệu người tham gia bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ bao phủ 88,99% dân số.
Tuy nhiên, về vấn đề bảo đảm tài chính, tỷ trọng đóng góp từ bảo hiểm y tế trong tổng chi y tế còn thấp so với tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế. Tỷ lệ tự chi trả cho y tế từ hộ gia đình vẫn cao, thậm chí cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp và gấp 3 lần trung bình thế giới. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, nếu tỷ lệ tự chi trả cho y tế của người dân vượt quá 30% thì khó đạt được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân, chỉ số này nên dưới 20% mới phản ánh được độ bao phủ y tế cao.
“Tại các nước đang phát triển, chỉ số này chỉ dưới 14%, ở Việt Nam vào năm 2021, chi phí y tế từ tiền túi hộ gia đình vẫn chiếm 43%. Tỷ lệ tự chi trả cao sẽ là một thách thức lớn cho Việt Nam trong thực hiện mục tiêu bao phủ chăm sóc y tế toàn dân thông qua bảo hiểm y tế”, vị chuyên gia này chia sẻ.
Do đó, vị này cho rằng, cần có chính sách về đổi mới công tác tài chính và đầu tư. Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm cho y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của ngân sách Nhà nước. Mở rộng các phương thức trả trước và chia sẻ rủi ro trong khám, chữa bệnh thông qua phát triển bảo hiểm y tế toàn dân. Tiếp tục huy động các nguồn đầu tư của xã hội cho y tế, đồng thời có những điều chỉnh chính sách phù hợp để hạn chế tác động không mong muốn của chính sách xã hội hóa hoạt động y tế đối với người dân.
Tham gia góp ý Dự thảo Luật này, một số ý cũng cho hay, các nội dung được đề xuất sửa đổi khá rộng, vì vậy cần có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, tham khảo kinh nghiệm quốc tế cũng như đánh giá tác động tài chính một cách đầy đủ, thận trọng để đảm bảo tính khả thi của Dự thảo Luật cũng như điều chỉnh phạm vi quyền lợi cho phù hợp với mức đóng, khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế.
Được biết, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày hôm nay 31/10, Quốc hội sẽ tham gia thảo luận ở hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. Sau đó, Bộ trưởng Bộ Y tế - Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.