Sửa Luật Đất đai: Cân bằng giữa giá đất và giá trị gia tăng từ đất

Diendandoanhnghiep.vn Trong bối cảnh tài chính đất đai và giá chưa phản ánh đúng thực tế thị trường, theo chuyên gia, cần nhìn nhận vấn đề này một cách rộng hơn, bao quát hơn, để biến thành công cụ tạo ra giá trị gia tăng…

>> Luật Đất đai (sửa đổi): Đảm bảo quyền lợi cho người yếu thế trong xã hội

Sau gần 10 năm thi hành Luật Đất đai năm 2013, việc sửa đổi luật lần này nhằm tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất.

Theo đó, so với Luật Đất đai hiện hành, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 11 chính sách mới, quan trọng gồm: Thứ nhất, quy định cụ thể quyền và trách nhiệm của Nhà nước; quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai; Thứ hai, hoàn thiện các quy định về các quyền của người sử dụng đất; Thứ ba, về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Thứ tư, về thu hồi đất và chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

Thứ năm, về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; Thứ sáu, về cơ chế, chính sách tài chính, giá đất; điều tiết quan hệ giữa Nhà nước - thị trường - xã hội; Thứ bảy, về phát triển quỹ đất, thị trường quyền sử dụng đất; Thứ tám, về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp; giải quyết những tồn tại hạn chế trong quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường; Thứ chín, quy định về quản lý, sử dụng đất đa mục đích; Thứ mười, quy định về chuyển đổi số và cải cách hành chính; Thứ mười một là thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai.

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 11 chính sách quan trọng - Ảnh minh họa: CP

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) có 11 chính sách quan trọng - Ảnh minh họa: CP

Với những chính sách quan trọng đã nêu, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ giải quyết được các “điểm nghẽn” về đất đai như thị trường quyền sử dụng đất phát triển chưa ổn định, cải cách hành chính trong quản lý đất đai chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, tài chính đất đai và giá đất chưa phản ánh đúng thực tế thị trường… Đặc biệt là bảo đảm nhu cầu sử dụng đất trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa nguồn lực đất đai vào sản xuất kinh doanh và nâng cao đời sống xã hội, từ đó tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao trong 10 – 20 năm tới.

Theo các chuyên gia, tài chính về đất đai được đánh giá là sửa đổi lớn trong Dự thảo Luật (sửa đổi) lần này, bởi với cách tiếp cận tài chính công, cụ thể trong lĩnh vực đất đai, khái niệm tài chính về đất đai có thể hiểu là nghĩa vụ vật chất liên quan đến quyền sử dụng. Như vậy, đây cần được coi là công cụ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

Thông tin với báo chí, đại biểu Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần nhìn nhận vấn đề này một cách rộng hơn, bao quát hơn, theo hướng thúc đẩy sử dụng công cụ này tạo ra giá trị gia tăng, không chỉ vấn đề nguồn thu trực tiếp từ giao đất, cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất.

Bởi, nếu chỉ tập trung vào những vấn đề đó thì có mặt tích cực nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tác động đến nền kinh tế. Ví dụ, giá đất tăng dẫn đến chi phí đầu vào cho sản xuất kinh doanh tăng, dẫn đến việc doanh nghiệp hạn chế gia nhập thị trường. Hoặc, chỉ doanh nghiệp có khả năng về tài chính có thể tiếp cận với đất đai, gây méo mó thị trường.

“Trong khi đó cân bằng giữa giá đất và giá trị gia tăng từ đất sẽ bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Nếu doanh nghiệp tiếp cận được đất đai sẽ phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó tạo ra nguồn thu thuế, giải quyết bài toán lao động cho địa phương. Lúc này, tài chính từ đất đai không chỉ tập trung vào giá đất, tăng thu trực tiếp từ đất”, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ.

>> Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Làm rõ cơ chế hoạt động cho “Ngân hàng đất nông nghiệp”

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển, cần đa dạng hóa công cụ phân bổ nguồn lực này - Ảnh minh họa:

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển, cần đa dạng hóa công cụ phân bổ nguồn lực này - Ảnh minh họa: Internet

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của đất đai, đại biểu Phan Đức Hiếu cũng cho rằng, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Đây là căn cứ để phân bổ đất theo cách khoa học, thuận tiện trong phát triển kinh tế - xã hội. Bởi, nếu quy hoạch, kế hoạch không tốt, không hợp lý sẽ trở thành rào cản trong phân bổ nguồn lực, từ đó tạo ra dự án treo, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống xã hội của người dân, cũng như gián tiếp gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước.

Việc này đòi hỏi quá trình quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được tính toán kỹ lượng, đặc biệt bảo đảm tương thích trong lập quy hoạch giữa cấp trên cấp dưới, ngang cấp, cấp thời gian. Hiện nay quy hoạch có quy hoạch quốc gia, vùng, rồi chia thành các cấp hành chính và các quy hoạch được lập theo khung thời gian khác nhau. Điều này có thể dẫn tới việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thiếu đồng nhất.

“Đơn cử, trong trường hợp quy hoạch cùng cấp thì cái nào cần tương thích với cái nào. Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần làm rõ tiêu chí nào, điều kiện nào xác định tương thích trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Chừng nào quy hoạch không tương thích sẽ hình thành điểm nghẽn trong phân bổ nguồn lực đất đai nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung”, đại biểu Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, để đất đai thực sự trở thành nguồn lực phát triển, cần đa dạng hóa công cụ phân bổ nguồn lực này, đặc biệt cần nhiều hơn quy định để phát triển đầy đủ thị trường quyền sử dụng đất.

Cụ thể, tăng dư địa trong thị trường quyền sử dụng đất thông qua việc bổ sung cơ chế, cách thức giao dịch trên thị trường về góp vốn là quyền sử dụng đất, cơ chế để cho thuê rồi cho thuê lại quyền sử dụng đất, góp vốn bằng quyền sử dụng đất…

Thực tế với trường hợp góp vốn bằng quyền sử dụng đất hiện nay đồng nghĩa với chuyển nhượng toàn bộ quyền sử dụng đất cho doanh nghiệp. Ở một góc độ nào đó là tạm “mất đất”, nếu doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả. Trong trường hợp này, nên chăng dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần xem xét bổ sung cơ chế cấp quyền sử dụng đất nhưng có thời hạn. Để người góp vốn có quyền nhận lại đất sau thời gian góp vốn và tiếp tục sử dụng nguồn lực này.

“Trong bối cảnh thị trường phát triển hiện nay, nếu bó hẹp công cụ trong mệnh lệnh hành chính là thu hồi đất và giao đất, phân bổ đất thì đồng nghĩa với việc bó hẹp việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, giảm hiệu quả phân bổ và sử dụng đất”, đại biểu Phan Đức Hiếu bày tỏ.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Sửa Luật Đất đai: Cân bằng giữa giá đất và giá trị gia tăng từ đất tại chuyên mục DIỄN ĐÀN PHÁP LUẬT của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711669942 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711669942 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10