Góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị, Ban soạn thảo cần quy định lại trách nhiệm của các bộ ngành khi phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Thực tế cho thấy, so với thời điểm ban hành Luật Hóa chất 2007, hệ thống pháp luật hiện nay đã có nhiều thay đổi, nhiều luật mới được ban hành hoặc đã được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, từ năm 2008 đến nay, Việt Nam đã ký kết gia nhập nhiều Hiệp định Thương mại tự do, tham gia thêm vào một số công ước, điều ước quốc tế mới về quản lý hóa chất. Cùng với quá trình thực thi dài, một số quy định trong Luật Hóa chất 2007 đã bộc lộ những bất cập, vướng mắc, không còn phù hợp với tình hình thực tế, cần thiết phải sửa đổi, bổ sung.
Theo đó, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) lần này với 89 điều và được bố cục thành 10 chương, được kỳ vọng sẽ có những quy định chặt chẽ hơn trong quản lý hóa chất độc hại, nguy hiểm.
Trình bày Báo cáo về Dự thảo, Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương Phùng Mạnh Ngọc nhấn mạnh, Dự thảo quy định các lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, đặc biệt bao gồm các lĩnh vực sản xuất các sản phẩm cần ưu tiên phát triển để cung cấp nguyên liệu thiết yếu cho nhiều ngành kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực, bảo vệ sức khỏe người dân, hướng tới nền kinh tế độc lập, tự chủ, các dự án đầu tư khu, cụm công nghiệp chuyên ngành hóa chất, tổ hợp hóa chất để thúc đẩy mô hình kinh tế tuần hoàn.
Đồng thời, bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng bổ sung điều kiện về chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng; điều kiện chuyên môn, cấp chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và an toàn hóa chất.
Việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, bảo đảm quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng an toàn, phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí…
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, Dự thảo vẫn còn tồn tại một số bất cập. Một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội, hiệp hội, giới chuyên gia đối với Dự thảo là vấn đề liên quan đến trách nhiệm của các bộ ngành khi phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm, độc hại.
Đóng góp ý kiến hoàn thiện Dự thảo, ông Đỗ Trung Hưng, Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) bày tỏ băn khoăn khi Dự thảo quy định các bộ ngành phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm.
Theo ông Hưng, hiện nay, Bộ Y tế chỉ đang ban hành 2 danh mục. Đó là danh mục hóa chất diệt côn trùng, diệt khuẩn không được sử dụng và danh mục liên quan đến mỹ phẩm. Bộ không ban hành được hóa chất nguy hiểm có trong các loại thuốc, thực phẩm an toàn.
Do đó, ông Đỗ Trung Hưng đề nghị, Ban soạn thảo quy định lại trách nhiệm của các bộ ngành phải công bố những loại hóa chất nguy hiểm để đảm bảo phù hợp và có tính khả thi khi triển khai trong thực tiễn.
“Đồng thời, giữ nguyên việc Bộ Y tế có trách nhiệm công bố những loại hóa chất nguy hiểm như trong Luật Hóa chất 2007. Điều này cũng phù hợp với chức năng, nhiệm vụ mà Chính phủ giao cho Bộ”, ông Đỗ Trung Hưng đề nghị.
Liên quan đến nội dung trên, PGS.TS Từ Quang Tân, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Sư phạm (Đại học Thái Nguyên) cho biết, hiện nay, nhiều trường đại học đang sử dụng hóa chất để phục vụ cho công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học… Do được tự chủ nên nhiều trường có thể mua các loại hóa chất và tự xử lý các loại hóa chất hết niên hạn sử dụng.
“Vậy vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các trường đại học sử dụng các nguồn hóa chất này như thế nào thì cần được Ban soạn thảo làm rõ”, PGS.TS Từ Quang Tân nhấn mạnh.
Ngoài ra, để đảm bảo an toàn cho các học sinh, sinh viên và các gia đình, PGS.TS Từ Quang Tân đề nghị, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có sự chỉ đạo các địa phương, trường học trong việc tuyên truyền về tác hại khi sử dụng các hóa chá độc hại, nguy nhiểm cũng như cách thức xử lý các loại hóa chất như thuốc trừ sâu, bao bì và các hóa chất độc hại khác.