Nhiều ý kiến cho rằng, sửa đổi Luật số 69/2014 cần theo hướng tinh gọn, rõ phân cấp, phân quyền để tạo sự thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Dự thảo Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (Dự thảo) đang được hoàn thiện để giải quyết các bất cập của Luật Quản lý và sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) năm 2014. Nhiều ý kiến thống nhất, việc xây dựng Dự thảo là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Song góp ý hoàn thiện Dự thảo, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty Luật TNHH Trương Anh Tú (TAT Law Firm) cho rằng, một số quy định tại Luật số 69 đã vô tình tạo ra những hạn chế cho doanh nghiệp nhà nước trong việc tự chủ hoạt động kinh doanh. Bởi lẽ, doanh nghiệp nhà nước phải tuân thủ nhiều quy định chặt chẽ của Nhà nước, khiến cho quá trình ra quyết định đầu tư và kinh doanh bị chậm lại.
“Do đó, việc sửa đổi Luật số 69 là một bước ngoặt lớn về chính sách. Tuy nhiên, sửa đổi Luật cần phải phân định rõ vai trò quản lý Nhà nước và tăng cường tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước, nhằm giúp họ cạnh tranh và phát triển hiệu quả hơn trong bối cảnh kinh tế hiện đại”, Chủ tịch TAT Law Firm chia sẻ.
Cụ thể, theo Luật sư Tú, thứ nhất, cần tăng cường cơ chế tự chủ cho doanh nghiệp nhà nước thông qua việc phân quyền mạnh mẽ hơn trong các quyết định đầu tư. Điều này giúp doanh nghiệp linh hoạt trong việc ứng phó với thay đổi của thị trường, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào các cấp quản lý Nhà nước.
Thứ hai, cần đảm bảo tính minh bạch trong quản lý vốn nhà nước. Cơ chế giám sát phải chặt chẽ nhưng không can thiệp trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Đồng thời, quản trị doanh nghiệp cần tuân theo các chuẩn mực quốc tế, giúp nâng cao trách nhiệm giải trình và hiệu quả sử dụng vốn. Ngoài ra, việc áp dụng mô hình quản trị doanh nghiệp quốc tế sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước không chỉ thu hút vốn đầu tư nước ngoài mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ ba, cần có những quy định cụ thể hơn về đánh giá hiệu quả sử dụng vốn. Thay vì chỉ nhìn vào lợi nhuận, chúng ta cần có những tiêu chí đánh giá đa dạng hơn, bao gồm cả tác động xã hội và môi trường của doanh nghiệp. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp hoạt động bền vững hơn trong dài hạn. Bởi ngoài việc đảm bảo hoạt động kinh doanh hiệu quả, khối doanh nghiệp nhà nước còn phải thực hiện an sinh xã hội, cung cấp hàng hóa dịch vụ công thiết yếu...
“Cuối cùng, cần khuyến khích đổi mới sáng tạo thông qua các chính sách hỗ trợ đầu tư vào công nghệ hiện đại. Điều này sẽ giúp doanh nghiệp nhà nước nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn, đồng thời đảm bảo phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu”, luật sư này nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình nhận định, Dự thảo chưa xử lý được các vấn đề vướng mắc tại Luật hiện hành; nhiều vấn đề phát sinh cần tháo gỡ liên quan đến đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp; chưa thực hiện đầy đủ chủ trương, chính sách của Đảng liên quan đến đổi mới, phát triển doanh nghiệp nhà nước.
Bên cạnh đó, Dự thảo không kế thừa, phát huy được các nội dung Luật số 69 còn phù hợp với thực tế, có tác động tích cực đối với sự phát triển của doanh nghiệp có vốn nhà nước. Nội dung Dự thảo kết cấu hoàn toàn mới, phức tạp, thiếu rõ ràng, không làm rõ trách nhiệm của từng chủ thể; không tách bạch, phân định rõ chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của nhà nước và với hoạt động quản trị của doanh nghiệp đối với mọi loại hình doanh nghiệp có vốn đầu tư của nhà nước.
Đáng nói, nội dung của Dự thảo cũng chưa làm rõ việc thực hiện chủ trương cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của doanh nghiệp. Trách nhiệm của doanh nghiệp ở đây phải quy định chủ thể trách nhiệm cụ thể, không chỉ nêu chung chung doanh nghiệp như trong Dự thảo.
“Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo căn cứ các quy định hiện hành đề xuất sửa đổi các quy định chưa phù hợp, giảm bớt thủ tục hành chính các hoạt động của doanh nghiệp. Cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ nên giao cho doanh nghiệp một số chỉ tiêu cụ thể như lợi nhuận, số lao động tối đa để không mở rộng bộ máy, tăng chi phí hoạt động. Doanh nghiệp cần tự chủ trong xây dựng chiến lược, kế hoạch, tổ chức hoạt động năng động, hiệu quả để nắm bắt thời cơ kinh doanh. Các chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung cần theo hướng để doanh nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển, vươn tầm thế giới”, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà đề nghị.
Được biết, về Dự thảo này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, hoạt động doanh nghiệp phải theo quy luật thị trường, quy luật giá trị, cung cầu và cạnh tranh, không thể can thiệp bằng các biện pháp hành chính. Kế hoạch kinh doanh thì giao cho hội đồng quản trị chịu trách nhiệm quyết định, làm sao bảo toàn và phát triển vốn, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực. Chính phủ, cơ quan quản lý có công cụ để định hướng, kiểm tra, giám sát.
“Vì thế, Dự thảo phải mạnh dạn phân cấp, phân quyền. Đồng thời cần rà soát thiết kế công cụ để khuyến khích đổi mới sáng tạo, đứt khoát bỏ tư duy không quản lý được thì cấm”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.