Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cân nhắc về ngưỡng doanh thu không chịu thuế

YẾN NHUNG 14/06/2024 04:00

Để phù hợp với tình hình thực tế, góp ý Dự thảo Luật Thuế Giá trị gia tăng (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ việc xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT.

>> Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

Theo đó, tại khoản 25 Điều 5 Dự thảo quy định “Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

“Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng.

“Hàng hóa, dịch vụ của hộ, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu hàng năm từ một trăm triệu đồng trở xuống” thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng - Ảnh minh họa: ITN

Theo Bộ Tài chính, từ khi Luật Thuế Giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi năm 2013, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT năm 2008 có hiệu lực cho đến nay, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng nhiều. Việc điều chỉnh mức doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết. Bản thân các hộ kinh doanh cũng mong muốn sự hỗ trợ của Nhà nước trong thời điểm khó khăn như hiện nay. Quy định này sẽ giúp nhiều cá nhân, hộ gia đình kinh doanh nhỏ lẻ không phải thực hiện việc kê khai và nộp thuế.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến xoay quanh quy định trên. Các chuyên gia cho rằng, việc sửa đổi, điều chỉnh quy định về ngưỡng doanh thu hàng năm thuộc diện không chịu thuế GTGT là cần thiết để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội hiện nay và cần được quy định cụ thể trong Luật để xác lập căn cứ pháp lý rõ ràng. Song, cần cân nhắc các yếu tố liên quan trên bình diện chung của các chính sách hiện hành để quy định cụ thể mức ngưỡng này trong Dự thảo Luật.

Để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội,việc xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ

Để phù hợp với thực tế phát triển kinh tế - xã hội, việc xác định ngưỡng doanh thu không chịu thuế GTGT cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ - Ảnh minh họa: ITN

>> Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về đối tượng chịu thuế

Nêu quan điểm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế nhận định, mặc dù ban soạn thảo đã điều chỉnh tăng mức doanh thu không chịu thuế lên 1,5 lần: từ 100 triệu đồng/năm lên 150 triệu đồng, nhưng vẫn còn thấp so với mặt bằng giá cả, tình hình phát triển kinh tế, đời sống của nhân dân hiện nay.

Theo bà Cúc, ở Việt nam có trên 3,9 triệu hộ cá nhân kinh doanh, số thu từ khu vực này khá khiêm tốn, nếu thu từ đồng đầu tiên thì chi phí quản lý thuế quá lớn. Mặt khác, cũng như thuế thu nhập cá nhân (TNCN), quan điểm điều tiết của chúng ta là không thu thuế từ đồng đầu tiên, vì vậy việc xác định mức doanh thu chịu thuế cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng để phù hợp hơn với tình hình thực tế và có tính ổn định của luật.

Mặt khác, theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP thì mức chuẩn nghèo của Việt Nam giai đoạn 2022-2025 ở nông thôn là 1.500.000 đồng/người/tháng (18 triệu/năm) và 2.000.000 đồng/người/tháng (24 triệu/năm) ở đô thị. Trong khi đó theo Mục 1 Phụ lục 1 Thông tư số 40/2021/TT-BTC hướng dẫn thuế GTGT, thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh, thì tỷ lệ tính thuế GTGT thấp nhất là hoạt động thương mại với tỷ lệ thuế GTGT là 1%, TNCN là 0.5%. Như vậy, nếu lấy doanh thu theo ngưỡng 150 triệu như Dự thảo thì tỷ lệ giá trị gia tăng của doanh thu không chịu thuế là: 15.000.000 đồng (150 triệu x 1% = 15.000.000 đồng) thấp hơn 18.000.000 đồng mức chuẩn nghèo.

Theo quy định hiện hành, căn cứ tính thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh là doanh thu tính thuế và tỷ lệ thuế tính trên doanh thu. Tỷ lệ thuế tính trên doanh thu gồm tỷ lệ thuế GTGT và tỷ lệ thuế TNCN...

“Do đó, để đảm bảo hài hòa lợi ích, phù hợp với mục đích hỗ trợ xóa đói, giảm nghèo cũng như các chính sách phát triển giảm nghèo bền vững, có xét tới tình hình trượt giá, tỷ lệ lạm phát, điều kiện kinh tế xã hội ngày càng phát triển, mức chuẩn nghèo thay đổi và có phần tương đồng với thuế TNCN, thì quy định ngưỡng doanh thu 150 triệu đồng không chịu thuế GTGT như Dự thảo vẫn là thấp. Thay vào đó nên để ở cao hơn và tối thiểu là 200 triệu đồng”, Chủ tịch Hội tư vấn thuế đề xuất.

Đồng quan điểm, Ths.Nguyễn Thị Hải Bình, Trưởng Ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng, việc điều chỉnh mức doanh du bán hàng hóa, dịch vụ của cá nhân, hộ kinh doanh cho phù hợp với mức biến động của giá cả là cần thiết.

“Để bảo đảm thời gian hiệu lực của Luật lâu dài, khuyến khích cá nhân, hộ gia đình sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế nhưng ngân sách nhà nước không bị hụt giảm nguồn thu, cơ quan soạn thảo nên xem xét, đánh giá các yếu tố tác động khi xác lập mức doanh thu không chịu thuế cho phù hợp như: Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng trong nước; Diễn biến thu nhập của cá nhân người lao động nhận lương; Ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh; Sự phù hợp với quy định tại các Luật khác như Luật Quản lý thuế, Luật Thuế TNCN…”, chuyên gia này đề nghị.

Ngoài ra, nên nghiên cứu quy định mức doanh thu không chịu thuế theo hướng mở để linh hoạt điều chỉnh khi có sự biến động về chỉ số giá tiêu dùng, về chính sách tiền lương, các chính sách thuế khác hay khi có sự biến động kinh tế vĩ mô để bảo đảm tính lâu dài, ổn định của Luật sửa đổi…

“Về lâu dài việc nâng mức chịu thuế sẽ tạo động lực cho các hộ kinh doanh, cá nhân đẩy mạnh các hoạt động sản xuất – kinh doanh, tăng nguồn thu tốt hơn, mặt khác việc nâng mức chịu thuế để phù hợp với Luật Thuế TNCN và mức chuẩn nghèo quy định tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP”, Ths.Nguyễn Thị Hải Bình chia sẻ.

Có thể bạn quan tâm

  • Sửa Luật Thuế GTGT: Lo doanh nghiệp chế xuất bị “làm khó”

    Sửa Luật Thuế GTGT: Lo doanh nghiệp chế xuất bị “làm khó”

    03:30, 31/05/2024

  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

    Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc bảo đảm tính minh bạch, thống nhất

    03:30, 20/05/2024

  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về dịch vụ tài chính phái sinh

    Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cân nhắc quy định về dịch vụ tài chính phái sinh

    13:00, 15/04/2024

  • Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

    Sửa Luật Thuế giá trị gia tăng: Cần đảm bảo năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp

    11:25, 17/03/2024

  • Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung

    Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Nghiên cứu cho phép tập đoàn kinh tế hạch toán tập trung

    03:30, 03/03/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sửa Luật Thuế Giá trị gia tăng: Cân nhắc về ngưỡng doanh thu không chịu thuế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO