Sức bật tăng trưởng đầu tư từ thể chế

HẠNH LÊ thực hiện 03/08/2024 03:00

Nhiều chính sách quan trọng có hiệu lực từ ngày 1/8/2024 kỳ vọng mang đến thay đổi lớn cho nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi thị trường bất động sản, tài chính và các kênh dẫn vốn khác cho nền kinh tế. 

>>Khơi thông các nguồn lực cho mục tiêu tăng trưởng 7% của năm

Trao đổi với DĐDN, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh: nổi bật nhất trong chính sách thúc đẩy đầu tư cuối năm và năm tiếp theo là 3 luật quan trọng: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực vào ngày 1/8. Cùng với đó, khoảng 7 Nghị định quy định chi tiết một số điều của 3 luật trên thuộc thẩm quyền thẩm quyền Chính phủ dự kiến ban hành trong thời gian tới góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, không chỉ ở thị trường bất động sản mà còn khơi thông nguồn lực cho tăng trưởng chung của nền kinh tế.

- Tâm lý “chờ đợi” của doanh nghiệp sẽ được tháo gỡ như thế nào sau khi các chính sách mới trên có hiệu lực, thưa ông?

Thời điểm hiện nay, việc thực thi 3 luật trên là điểm sáng quan trọng cho phục hồi kinh tế nói chung và ổn định kinh tế vĩ mô nói riêng. Đây là những luật và nghị định có tác động lan toả rộng lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, bao gồm cả khu vực tài chính ngân hàng, chứng khoán, bán lẻ, du lịch, giao thông vận tải, xây dựng. Trong đó, thị trường bất động sản và một số lĩnh vực liên quan đang chờ đợi một cách tích cực về hiệu lực hiệu quả của các chính sách mới. Thị trường bất động sản hiện đang ghi nhận tín hiệu phục hồi ở một số phân khúc. Xu hướng tích cực này sẽ duy trì đến cuối năm và sang đầu năm sau. Kéo theo đó, thị trường tài sản nói chung bao gồm cả chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp sẽ phục hồi tích cực. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, kể cả trực tiếp và gián tiếp đánh giá rất cao việc rút ngắn thời hiệu hiệu lực của 3 luật trên trong việc tạo lòng tin để mở rộng đầu tư sản xuất kinh doanh và quay lại thị trường chứng khoán.

Một lĩnh vực khác rất quan trọng đang chờ đợi chính sách mới là đầu tư công và đầu tư tư nhân. Từ đầu năm đến nay, đầu tư công giải ngân chậm hơn so với năm trước mà một trong những lý do, theo tôi là các doanh nghiệp và người dân đang chờ đợi cơ chế giá mới về đất để đền bù giải phóng mặt bằng theo tinh thần: giá đất phải được hình thành theo nguyên tắc thị trường. Sự chờ đợi này khiến cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng thời gian qua gặp khó khăn. Ngay cả ở một số tỉnh, thành đã rất thành công trong việc giải ngân đầu tư công năm 2023 thì năm nay đang vướng mắc giải phóng mặt bằng cho các dự án đầu tư công, dự án tư nhân có liên quan đến đất đai, mặt bằng, bao gồm cả đầu tư nhà ở lẫn khu công nghiệp, các dự án về giao thông đường bộ.

 Diễn biến chu kỳ tăng trưởng GDP so với mức tiềm năng. Nguồn: CIEM

Diễn biến chu kỳ tăng trưởng GDP so với mức tiềm năng. Nguồn: CIEM

- Tuy nhiên, trên thị trường tài chính, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng tăng, trong khi tinh thần chỉ đạo chung là giảm lãi suất để hỗ trợ các doanh nghiệp, thưa ông?

Lãi suất là chỉ báo vô cùng quan trọng cho toàn bộ thị trường tài chính. Lãi suất liên ngân hàng trong quý I dừng lại ở con số 0.3% nhưng sang quý II đã nhảy vọt lên 4%, tốc độ tăng trưởng tín dụng vượt 6% trong 6 tháng đầu năm . Điều này phản ánh thực tế là khi tăng trưởng cao, kinh tế phục hồi, lãi suất cũng cao hơn do nhu cầu vốn tăng lên. Do đó, dù chúng ta có tìm cách kiềm chế nhưng lãi suất vẫn dần tăng trở lại trong khi chưa có yếu tố hỗ trợ cho việc giảm lãi suất như mong muốn. Theo tôi, điều này không hề nguy hiểm, ngược lại còn có lợi cho nền kinh tế. Trong 6 tháng cuối năm 2024, các ngân hàng vẫn tiếp tục thực hiện chính sách giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ cho các doanh nghiệp nhằm tiếp tục đưa tín dụng vào nền kinh tế. Với những chuyển biến tích cực như tôi vừa nói, tốc độ tăng trưởng tín dụng dự báo sẽ vượt 15- 16% trong năm 2024. Bên cạnh đó, chính sách tài khoá tiếp tục được cải thiện; thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng tương đối khả quan so với năm ngoái, cho dù thời gian gần đây các nhà đầu tư ngoại bán ròng khối lượng lớn nhưng các nhà đầu tư nội địa đã thay thế một cách ngoạn mục.

- Từ cú hích thể chế, ông có lạc quan hơn về tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm?

Tôi muốn nhấn mạnh thêm, khi các thị trường bất động sản, xây dựng… phục hồi từ tác động tích cực của chính sách mới có thể giúp kéo đầu tư tư nhân hiện đang rất thấp (6 tháng đầu năm chỉ tăng 4,5%) tăng trưởng tốt hơn trong 6 tháng cuối năm. Ngoài ra, tăng trưởng kinh tế cũng được hỗ trợ tốt hơn với các chính sách liên quan đến thương mại và công nghiệp, trong đó có các chính sách liên quan đến tăng trưởng và phát triển bền vững - một trong những vấn đề quan trọng cần được lưu tâm của nền kinh tế trong thời gian còn lại của năm và những năm tiếp theo. Cùng với các chính sách về chuyển đổi năng lượng trên nền tảng kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII thì Chiến lược giảm phát thải khí nhà kính vẫn đang được Chính phủ và các doanh nghiệp triển khai khẩn trương. Trong đó, đáng chú ý, Nghị định 06/2022/NĐ - CP của Chính phủ đang được sửa đổi góp phần tạo nền tảng pháp lý vững chắc cho chuyển đổi kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tài chính xanh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Những động lực cho tăng trưởng kinh tế

    03:13, 19/07/2024

  • Vì sao Hải Phòng bứt phá, tăng trưởng kinh tế đứng thứ 5 của cả nước?

    01:34, 12/07/2024

  • Công nghệ số: Động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bến vững

    13:09, 10/07/2024

  • Nam Định: Tăng trưởng kinh tế đứng thứ 11 cả nước

    02:36, 05/07/2024

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sức bật tăng trưởng đầu tư từ thể chế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO