Sức ép cần thiết cho ngành phân phối Việt Nam

Phan Nam thực hiện 21/02/2020 09:56

EVFTA, EVIPA là thách thức trực diện nhưng đồng thời cũng có thể là sức ép hợp lý để ngành và doanh nghiệp phân phối Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh.

Ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Phú Thái nhận định như vậy khi trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp.

Ông Đoàn khẳng định, trong các cam kết quốc tế về mở cửa dịch vụ phân phối của Việt Nam, dịch vụ phân phối (distribution) bao gồm 04 nhóm dịch vụ khác nhau: Dịch vụ đại lý hoa hồng; Dịch vụ bán buôn; Dịch vụ bán lẻ; Dịch vụ nhượng quyền thương mại. Còn trong pháp luật Việt Nam, dịch vụ phân phối chỉ bao gồm bán buôn và bán lẻ. Do đó, việc mở cửa cũng như tác động của các cam kết đối với lĩnh vực phân phối tập trung vào các dịch vụ bán buôn, bán lẻ là chủ yếu.

- Nhưng theo ông, EVFTA tác động ra sao tới ngành phân phối?

Khi EVFTA có hiệu lực, ngành phân phối Việt Nam được dự báo là cơ cấu hàng hóa phân phối sẽ thay đổi đáng kể, đồng thời sẽ chịu tác động hai chiều, cả cơ hội và thách thức. Nghĩa là có thể tiếp cận nguồn hàng từ EU với giá rẻ hơn, thủ tục thuận lợi hơn (tận dụng các cam kết ưu đãi thuế quan, tạo thuận lợi thương mại… trong EVFTA), qua đó có nguồn cung phong phú hơn, chất lượng hơn, giá thành hợp lý hơn, thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng trong nước. Hợp tác, liên doanh với các nhà phân phối EU, qua đó cải thiện nguồn vốn, trình độ quản trị, quy trình quản lý...

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, những cam kết EVFTA về dịch vụ phân phối sẽ không làm thay đổi quá lớn bối cảnh cạnh tranh của ngành phân phối Việt Nam.

- Ông có thể lấy dẫn chứng cụ thể?

Trong EVFTA, Việt Nam cam kết vẫn giữ nguyên danh mục hàng hóa chưa cam kết cho nhà đầu tư nước ngoài phân phối và mở cửa ngành bán buôn, bán lẻ rộng hơn so với cam kết trong WTO ở thủ tục mở cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất. Việt Nam chỉ không cam kết mở cửa đối với phân phối 09 loại hàng hóa gồm: thuốc lá và xì gà, sách, báo và tạp chí, vật phẩm đã ghi hình, kim loại quý và đá quý, dược phẩm, thuốc nổ, dầu thô và dầu đã qua chế biến, gạo, đường mía và đường củ cải. Mặc dù vậy đã mở cửa phần lớn các nghĩa vụ/nguyên tắc đối với tất cả các loại dịch vụ phân phối.

Ngoài ra, Việt Nam cam kết không phân biệt đối xử trong sản xuất, nhập khẩu và phân phối rượu, cho phép doanh nghiệp EU được bảo lưu điều kiện hoạt động theo giấy phép hiện hành và chỉ cần một giấy phép để thực hiện hoạt động nhập khẩu, phân phối. Như vậy, ngoài 9 loại hàng hóa nêu trên, các hàng hóa khác sẽ tràn vào thị trường Việt Nam làm cho cơ cấu hàng hóa phân phối tăng lên về chủng loại, giá cả hạ hơn, tạo sức ép cạnh tranh không nhỏ.

Theo lộ trình 5 năm sau các nhà phân phối của EU có thể mở các cơ sở phân phối bán lẻ mà không phải trải qua thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT (Economic-Need-Test).

Nhất là theo lộ trình 5 năm sau các nhà phân phối của EU có thể mở các cơ sở phân phối bán lẻ mà không phải trải qua thủ tục kiểm tra nhu cầu kinh tế - ENT (Economic-Need-Test). Trong 05 năm kể từ ngày EVFTA có hiệu lực, nhà đầu tư EU không phải làm thủ tục ENT khi mở cơ sở bán lẻ có diện tích dưới 500m2. Từ năm thứ 05 kể từ ngày EVFTA có hiệu lực loại bỏ hoàn toàn thủ tục ENT với nhà đầu tư EU. Do đó, các nhà đầu tư EU sẽ vào Việt Nam để đầu tư tạo sức ép đổi với các DN phân phối bán lẻ trong nước.

- Ông đánh giá thế nào về khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp phân phối Việt Nam?

Các cam kết mở cửa thị trường logistics tập trung ở EVFTA, với mức mở cửa rộng hơn đáng kể ở một số phân ngành logistics của Việt Nam cho EU. Vì vậy, Hiệp định này được dự báo sẽ có tác động đáng kể đến tương lai của ngành logistics Việt Nam, theo cả hướng tích cực và tiêu cực. Tỷ trọng hàng hóa bán qua hệ thống thương mại hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại hiện chiếm chiếm 25-30% tổng mức bán hàng và có xu hướng tăng lên.

Khối doanh nghiệp FDI hiện mới chiếm tỷ lệ nhỏ khoảng 4% trong tổng số lượng cơ sở phân phối, nhưng có doanh thu và hiệu quả kinh doanh lớn gấp 3 - 4 lần so với mặt bằng chung của các cơ sở bán lẻ Việt Nam. Với tiềm năng thị trường lớn, Việt Nam đang thu hút mạnh đầu tư nước ngoài vào thị trường phân phối, đặc biệt là từ Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… Vì vậy, ngành phân phối nội địa đứng trước sức ép cạnh tranh lớn từ các đối thủ mạnh của nước ngoài.

Nhìn chung năng lực cạnh tranh của các doanh nhiệp Việt Nam trong ngành phân phối còn rất yếu kể cả năng lực phân phối và cả khả năng tiếp cận hợp tác đầu tư với các nước EU, điều này đỏi hỏi sự cố gắng của cả các doanh nghiệp và sự trợ giúp của Chính phủ.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sức ép cần thiết cho ngành phân phối Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO