Tín dụng - Ngân hàng

Sức ép đè nặng lãi suất

 Diễm Ngọc 19/12/2024 04:39

Việc tăng lãi suất cuối năm không chỉ là tính chất mùa vụ mà còn do sức ép từ các yếu tố như tỷ giá, lợi suất trái phiếu Chính phủ, hay việc hạ lãi suất của các NHTW lớn.

Nền kinh tế đang cần vốn

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có Công điện yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) kiên quyết xử lý nghiêm theo thẩm quyền và quy định pháp luật các tổ chức tín dụng cạnh tranh lãi suất không lành mạnh, không đúng quy định (bao gồm cả lãi suất huy động và lãi suất cho vay)...

nh-chu.p-man-hinh-2024-01-08-luc-20.36.46.png
Thông thường vào cuối năm lãi suất thường cao hơn ở dịp giáp Tết

Có thể thấy, chúng ta đang ở trong một chu kỳ đặc biệt khi năm 2025 đã cận kề mà mục tiêu năm sau là tăng trưởng rất cao. Để đạt được mục tiêu này, sẽ cần kích thích mọi người vay tiền với các khoản vay hiệu quả. Do đó, lãi suất cao chính là một trở ngại.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital phân tích, khi chúng ta bàn về lãi suất sẽ cần nhìn ở hai thị trường bao gồm: Thứ nhất, là thị trường 1 (dân cư và doanh nghiệp), trong đó có lãi suất người dân đi gửi tiền và lãi suất các khoản cho vay được đo bằng chỉ số tăng trưởng tín dụng.

Thông qua hai mức lãi suất này sẽ biết được xu hướng lãi suất và nội tại nền kinh tế ra sao. Thông thường người dân đầu tư cổ phiếu hoặc những người theo dõi sát thị trường tài chính sẽ thấy các lãi suất này thay đổi khá chậm chạp.

Thứ hai, là lãi suất trên thị trường 2 (liên ngân hàng) mới được nhiều người để ý đến gần đây gồm lãi suất qua đêm, lãi suất 1 tuần, 2 tuần hoặc một tháng. Đây là một thị trường rất nhạy về lãi suất.

Đôi khi lãi suất trên thị trường 2 thay đổi nhưng chưa chắc thị trường 1 đã thay đổi, nhưng nếu lãi suất thị trường 2 cao mà thị trường 1 cũng cao thì tín hiệu cho thấy lãi suất chung đang thực sự cao và nền kinh tế đang rất cần vốn.

“Theo số liệu mà tôi cập nhật được thì đến ngày 7/12, tăng trưởng tín dụng đạt 12,5% và các ngân hàng đang chủ động giải ngân để đạt con số tổng tăng trưởng tín dụng 15%, do chúng ta vẫn đang trong cơ chế phê duyệt hạn mức tăng trưởng tín dụng của từng ngân hàng.

Trong năm sau, chúng ta đặt mục tiêu GDP tăng trưởng 7 - 8% thì tăng trưởng tín dụng sẽ phải từ 15 - 20%. Các ngân hàng đều đã nhìn thấy nhu cầu về tăng trưởng tín dụng của năm sau rồi.

Tuy nhiên, tăng trưởng huy động vốn của toàn hệ thống mới chỉ đạt 7,9% cho thấy giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động vốn đang có sự chênh lệch đáng kể. Khi nền kinh tế đang có xu hướng hồi phục trở lại, tăng trưởng tín dụng cao hơn dẫn đến trong hệ thống ngân hàng cũng đang bị thiếu tiền”, ông Tuấn nhận định.

Nhiều yếu tố tác động lãi suất

Về câu chuyện tăng lãi suất, thông thường vào cuối năm lãi suất thường cao hơn ở dịp giáp Tết, mọi người cho rằng điều này mang tính chất mùa vụ. Nhưng theo CEO AFA Capital, năm nay chúng ta cần phải quan sát một số yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến lãi suất.

dmhl8847-enternews-1658911543.jpeg
Một số yếu tố có ảnh hưởng mạnh đến lãi suất trong đó có tỷ giá

Một là vấn đề về tỷ giá, mặc dù Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất giúp áp lực tỷ giá của Việt Nam hạ xuống phần nào. Tuy nhiên, khi theo dõi chỉ số DXY sẽ thấy chỉ số này vẫn đang ở ngưỡng rất cao 106 - 107 điểm. Như vậy diễn biến tỷ giá vẫn tiếp tục căng thẳng về cuối năm, hy vọng sang đầu năm sau, chúng ta sẽ có một biên độ tỷ giá rộng hơn để đỡ áp lực hơn.

Hai là lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn dài (10 năm). Việc lãi suất tăng mà tăng dài hạn nhất là đối với kỳ hạn 10 năm cho thấy, các ngân hàng cũng yêu cầu một mức lợi tức cao hơn cho các khoản đầu tư dài hạn. Do đó vấn đề không còn mang tính chất mùa vụ nữa.

Ba là yếu tố quốc tế, nhiều người cho rằng năm sau Fed sẽ hạ lãi suất thì áp lực đối với Việt Nam sẽ nhẹ đi rất nhiều. Đó là xét về mặt lý thuyết dựa trên mối quan hệ giữa hai quốc gia, nhưng còn phải quan sát Fed hạ lãi suất nhanh hay chậm.

Chúng ta đã chờ đợi rất lâu trong giai đoạn lãi suất của Fed duy trì ở mức cao. Khi Fed bắt đầu hạ lãi suất mà các đồng tiền khác có tốc độ hạ nhanh hơn, dẫn đến việc chỉ số DXY vẫn cao và gây áp lực đối với tỷ giá VND. Trong khi đây là một biến số rất lớn cần quan sát vào năm 2025.

“Đối với vấn đề này, tôi có hai kỳ vọng, thứ nhất là lượng USD của Việt Nam từ các hoạt động xuất nhập khẩu, kiều hối cũng như đầu tư trong quý I/2025 sẽ về đủ lớn để bù đắp được chênh lệch về lãi suất.

Điểm thứ hai là nếu tỷ giá căng thẳng quá thì cơ quan điều hành có thể làm cho VND mất giá khoảng 1 - 2% ngay từ đầu năm và vẫn còn khoảng thời gian đến cuối năm để vừa đợi Fed cùng các Ngân hàng Trung ương khác hạ lãi suất, giúp áp lực lãi suất của Việt Nam được giảm bớt”, ông Nguyễn Minh Tuấn nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sức ép đè nặng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO