Cuộc đua giành thị phần ôtô khắp thế giới sẽ trở nên khốc liệt hơn nếu như Renault và Fiat Chrysler sáp nhập với nhau.
Việc hợp tác với Fiat Chrysler sẽ cho phép Renault có thêm lối thoát trong bối cảnh liên minh với Nissan đang làm ăn không hiệu quả và chưa kịp thích ứng với xu hướng chuyển dịch sang xe điện tự lái.
M&A- xu hướng tất yếu
Trong vòng 10 năm trở lại đây ngành công nghiệp ôtô toàn cầu chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập, liên danh đáng chú ý. Bản thân Fiat Chrysler hiện nay được tạo ra từ Fiat của Italy và Chrysler của Mỹ vào năm 2014.
Trước đó, các hãng xe Đức BMW và Daimler cũng đã thành lập liên doanh phát triển dịch vụ chia sẻ chuyến đi và dịch vụ sạc xe điện. Còn Ford và Volkswagen đang hợp tác để phát triển một số dòng xe mới.
Ở châu Á, Nissan đã thâu tóm 34% cổ phần của Mitsubishi, và gã khổng lồ Toyota mua đứt hãng xe tải nhỏ Daihatsu, qua đó tạo thành liên minh hùng mạnh đe dọa ngôi vị doanh số bán hàng lớn nhất toàn cầu của GM Motor.
Đồng thời, “sở hữu chéo” cũng đã xuất hiện trong ngành công nghiệp ôtô, điển hình như Renault hiện nắm giữ 4,5% cổ phần của Nissan, và ngược lại, hãng xe Nhật nắm 15% cổ phần Reunault.
Cạnh tranh chính là nguyên nhân dẫn đến các thương vụ M&A để tạo ra những đế chế hùng mạnh hơn. Hơn nữa, sự xuất hiện của dòng xe thế hệ mới như Tesla, Uber buộc các nhà sản xuất ô tô phải “bắt tay” nhau.
Cơ hội cho thương hiệu non trẻ
Các thương hiệu lớn hình thành từ các thương vụ M&A đình đàm sẽ tạo áp lực cạnh tranh đối với các thương hiệu non trẻ, nhưng cũng sẽ thúc đẩy các thương hiệu này có cách đi mới để không ngừng lớn mạnh.
Vinfast đã hợp tác với các đối tác đến từ châu Âu và Mỹ như GM, Bosh, Ital Design, One One Lab, Pininfarina, Torino Design, EDAG … để nhanh chóng cho ra đời sản phẩm đầu tay. Trong đó, Vinfast đạt được thỏa thuận độc quyền tiếp nhận toàn bộ hoạt động của GM tại Việt Nam, bao gồm nhà máy, nhân sự và đại lý bán hàng.
Theo tính toán của JICA, hiện tại chi phí sản xuất ô tô tại Việt Nam cao hơn gần 20% so với các quốc gia trong khu vực ASEAN như Thái Lan, Indonesia… Điều này khiến giá bán ô tô trong nước khó cạnh tranh với ô tô nhập khẩu nguyên chiếc từ ASEAN. Bởi vậy, muốn thúc đẩy sự phát triển của ngành sản xuất ô tô, các doanh nghiệp ô tô trong nước cần cắt giảm chi phí đầu vào, đồng thời cần phải xây dựng ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô vững mạnh.