Thua lỗ ròng liên tục khiến Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HNG) không có lựa chọn nào khác ngoài việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ để cấn trừ nợ.
Sau khi thua lỗ nặng trong năm 2019, HNG lại tiếp tục lỗ ròng trong 9 tháng đầu năm nay. Tính đến ngày 30/9, HNG ghi nhận lỗ luỹ kế tới 2.663,5 tỷ đồng.
HNG vừa công bố báo cáo tài chính quý 3/2020 với doanh thu 600 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Giá vốn hàng bán tăng mạnh khiến Công ty lỗ gộp gần 67 tỷ đồng. Chi phí tài chính dù giảm, nhưng vẫn ở mức cao, hơn 113 tỷ đồng. Khấu trừ tất cả chi phí, HNG vẫn lỗ ròng 350,5 tỷ đồng.
Theo giải trình của HNG, do tình hình dịch bệnh COVID-19 nên thị trường đầu ra của các loại trái cây bị ảnh hưởng nặng nề, dẫn đến giá bán giảm sâu, ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp này.
Luỹ kế 9 tháng đầu năm 2020, HNG đạt 1.766 tỷ doanh thu, tăng hơn 37% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ công tác bán trái cây thuận lợi trong quý 1/2020. Bước sang quý 2, giá bán không cao như kỳ vọng kéo đà tăng giảm, một phần còn do áp lực từ COVID-19. Sau khi trừ các chi phí, HNG lỗ ròng 339,5 tỷ đồng.
2.663 tỷ đồng là lỗ lũy kế đến 30/9/2020 của Công ty CP Nông nghiệp quốc tế Hoàng Anh Gia Lai.
Trong kỳ, dù dư nợ vay ngân hàng giảm mạnh, nhưng HNG vẫn ghi nhận dư nợ vay dài hạn ở mức hơn 6.783 tỷ đồng, tăng hơn 143% so với cuối năm 2019, chủ yếu là từ các doanh nghiệp. Trong đó, Thaco cho vay 1.919 tỷ đồng, Thadi 2.186 tỷ đồng và Công ty mẹ Hoàng Anh Gia Lai 2.119,5 tỷ đồng.
HNG vừa quyết định chốt danh sách lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản chào bán cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ. Tuy nhiên, phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ chưa được công ty công bố cụ thể, nhưng rất có thể để cấn trừ nợ của các doanh nghiệp nói trên.
Hiện vốn điều lệ HNG đang duy trì ở mức 11.085 tỷ đồng. So với hồi cuối năm 2017, quy mô vốn điều lệ của HNG đã tăng 44%.
Trước đó vào đầu tháng 6/2020, HNG đã phát hành xong 200 tỷ đồng trái phiếu theo phương thức riêng lẻ, kỳ hạn 18 tháng và từng lên kế hoạch phát hành thêm 800 tỷ đồng cũng thông qua kênh trái phiếu doanh nghiệp. Tuy nhiên, cách đây 3 tháng, kế hoạch trên đã bị dừng lại do thay đổi kế hoạch sử dụng vốn.
Trên thực tế, vốn hóa nợ diễn ra phổ biến giữa một doanh nghiệp với công ty con, công ty liên kết hay cổ đông nội bộ, cổ đông lớn nhìn từ HNG.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, tình huống của HNG cho thấy vốn hóa nợ đang được xem là “liều thuốc tiên” giúp doanh nghiệp này có thể xóa nợ dễ dàng hơn và có cơ hội tiếp cận nguồn vốn mới.
Rõ ràng, lợi ích của việc vốn hóa nợ đã giúp HNG nói riêng và nhiều doanh nghiệp nói chung giảm đáng kể áp lực phải trả nợ, từ đó có cơ hội cải thiện tình hình hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên, việc tăng vốn để trả những khoản nợ lớn sẽ gây ra tình trạng pha loãng cổ phiếu, khiến cho các cổ đông khác bị giảm tỷ lệ sở hữu trong công ty. Không chỉ vậy, việc vốn hóa nợ, nếu muốn đạt được hiệu quả cao cho cả chủ nợ lẫn con nợ, cần phải kết hợp các biện pháp tái cấu trúc, định hướng chiến lược phát triển. Trong khi HNG luôn trong tình trạng thua lỗ, mà chưa có biện pháp khắc phục. Đây sẽ là thách thức rất lớn cho hoạt động kinh doanh của HNG trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
Cổ phiếu HNG tăng trần dù doanh nghiệp lỗ đậm
04:30, 26/11/2020
Danh tính công ty mua lại gần 40 triệu cổ phiếu HNG từ ông Trần Bá Dương?
00:13, 17/08/2019
HNG chuyển nhượng 100% vốn tại Cao su Đông Dương cho Thadi
00:00, 20/06/2019
Áp lực hoán đổi nợ với HNG
06:10, 22/09/2017
Cá nhân bị phạt 600 triệu đồng vì thao túng cổ phiếu HNG là ai?
05:41, 11/08/2017