Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” sau 10 năm làm chuyển biến nhận thức về sản xuất, tiêu dùng hàng Việt, nhiều chủng loại hàng hóa "Made in Việt Nam" được khách hàng lựa chọn.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, người Việt ưu tiên dùng hàng Việt chính là giải pháp tốt nhất để thúc đẩy sản xuất, phát triển thị trường, qua đó bảo vệ chính các quyền của người tiêu dùng.
"Nhiều hàng Việt Nam đã cạnh tranh được với khu vực, thế giới, chinh phục được người tiêu dùng trong nước, chứ không chỉ dựa vào vận động, thuyết phục. Qua đó còn thấy được sự trưởng thành của doanh nghiệp Việt Nam, sự trưởng thành trong quy trình phân phối sản phẩm" - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Sau 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, tỷ lệ hàng Việt tại các hệ thống siêu thị luôn đạt mức trên 90%, đối với hệ thống chợ truyền thống, cửa hàng tiện lợi hàng Việt chiếm tỷ lệ từ 60% trở lên. Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ từ năm 2009 đến nay, đều có mức tăng trưởng khoảng 10% mỗi năm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) từ mức lạm phát phi mã 19,8% năm 2008 đã giảm xuống mức dưới 5% trong các năm gần đây.
Nền kinh tế chuyển từ nhập siêu sang xuất siêu (năm 2010 Việt Nam nhập siêu 12,5 tỷ USD; năm 2018 Việt Nam xuất siêu gần 7,2 tỷ USD). Một số ngành hàng sản xuất Việt Nam có thế mạnh đã tăng tỷ lệ nội địa hóa và hàm lượng khoa học - công nghệ trong sản phẩm, như tỷ lệ nguyên phụ liệu nội địa của ngành dệt may chiếm khoảng 50%, tỷ lệ nội địa hóa ngành da giày chiếm khoảng 40 - 50%.
Những kết quả đó đã góp phần hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, giảm nhập siêu, tiến tới xuất siêu trong những năm gần đây, bảo đảm cân đối cung-cầu, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu, không còn hiện tượng sốt giá, thiếu hàng vào các dịp lễ, Tết, mùa vụ.
Có thể bạn quan tâm
00:25, 03/12/2018
17:08, 20/11/2018
16:30, 13/11/2018
Theo Thường trực Ban Bí thư, kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định cuộc vận động là chủ trương đúng, góp phần làm chuyển biến nhận thức về sản xuất và tiêu dùng hàng Việt Nam.Từ đó, tạo nên diện mạo mới về hàng Việt trên thị trường, khẳng định sự vươn lên của doanh nghiệp Việt Nam.
"Bây giờ các đồng chí ra nước ngoài vào siêu thị lớn, bên cạnh nhãn hàng có uy tín ta thấy có hàng Việt Nam thì tự hào vô cùng. Chưa nhiều, nhưng chúng ta tự hào khi hàng Việt Nam đã chen lấn vào thị trường lớn như vậy", Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nói.
Tuy vậy, Thường trực Ban Bí thư nhận định, có một điều đáng buồn là vai trò của cấp ủy, chính quyền các cấp trong cuộc vận động này ngày càng giảm. Việc triển khai cuộc vận động còn nhiều khó khăn cũng do các cấp chưa tích cực tham gia chỉ đạo.
Thường trực Ban Bí thư cũng phân tích, để xảy ra tình trạng cuộc vận động chưa thực sự đi vào đời sống có trách nhiệm của chính quyền, cấp ủy và các ngành quản lý ở cơ sở vì tất cả mọi việc diễn ra tại cơ sở. Có những trường hợp hàng giả được tổ chức sản xuất nhiều năm liền, diễn ra công khai tại địa bàn dân cư nhưng chính quyền không biết. Ông Vượng đặt câu hỏi nghi vấn về năng lực quản lý, khả năng có tiêu cực cấp cơ sở dẫn tới nghịch lý đó.
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng chỉ rõ thực tế, một số mặt hàng Việt Nam chưa thu hút người tiêu dùng, tình trạng hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn diễn ra. Đây là điều rất nhức nhối, đánh vào uy tín hàng Việt, nền sản xuất của Việt Nam.
Từ đó, ông Vượng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo phải đánh giá cả tác động của tình trạng nói trên đối với sức khỏe người dân, môi trường và sự phát triển bền vững. Ông nhắc lại, những vấn đề hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn… xảy ra là có trách nhiệm ở cơ sở.