Sức sống cho kinh tế tuần hoàn

TS. TRẦN THỊ HỒNG MINH - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương 15/02/2024 05:00

Chủ động phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với liên kết vùng có ý nghĩa quan trọng, góp phần sớm tạo đột phá cho tăng trưởng kinh tế theo hướng xanh và bền vững.

Đồng thời mở rộng không gian phát triển mới cho doanh nghiệp. 

>>Tác động và ảnh hưởng của kinh tế tuần hoàn đối với thương mại điện tử

Tại Nghị quyết 41-NQ/TW về xây dựng và và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ mới, Bộ Chính trị yêu cầu quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách pháp luật về các mô hình phát triển kinh tế mới, trong đó có kinh tế tuần hoàn để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp.

Cộng hưởng sức mạnh

Trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch COVID-19 cũng như yêu cầu sớm thúc đẩy chuyển đổi xanh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã sớm chủ động tham mưu các đề xuất, chính sách nhằm mở rộng không gian kinh tế thông qua các mô hình kinh tế mới. Không gian đó gắn với việc khai thác nhanh, thực chất và hiệu quả hơn những nguồn lực “phi truyền thống” như thời gian, dữ liệu hay dựa trên tư duy tổ chức sản xuất mới, thiết kế các hoạt động theo hướng tuần hoàn, liên kết vùng. Đặc biệt, chúng tôi không nhìn nhận từng mô hình kinh tế mới một cách riêng lẻ mà có sự tương tác, hỗ trợ, từ đó đòi hỏi các giải pháp chính sách đủ sớm, đủ đồng bộ và đủ toàn diện để tạo động lực cho các chủ thể trong nền kinh tế tham gia thúc đẩy phát triển bền vững và tạo thêm giá trị gia tăng.

Xuất phát từ quan điểm trên, khi tham mưu Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, CIEM đã nhấn mạnh tư duy lồng ghép phát triển kinh tế tuần hoàn vào chính sách, dự án liên kết vùng. Cần lưu ý, liên kết vùng giúp các địa phương cùng xử lý những vấn đề mà họ không thể tự xử lý hoặc tự xử lý không hiệu quả, trong đó thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo đó, tư duy kinh tế tuần hoàn gắn với liên kết vùng giúp tạo thêm quan hệ liên kết, phối hợp và cùng hưởng lợi của các địa phương từ các dự án kinh tế tuần hoàn. Ngược lại, liên kết vùng giúp bảo đảm có đủ quy mô đầu vào cho sản xuất từ nguồn phụ phẩm, sản phẩm có thể tái chế và/hoặc đủ quy mô thị trường để các dự án kinh tế tuần hoàn trở nên khả thi và có lợi nhuận cao hơn. Thực tế cho thấy không ít chuyển biến của các dự án kinh tế tuần hoàn ở các tỉnh, thành phố theo hướng gắn kết nhiều hơn với liên kết vùng, giúp giải quyết hài hòa hơn vấn đề giữa các địa phương trong vùng về thu hút đầu tư phát triển hạ tầng kết nối, xử lý tài nguyên môi trường, các vấn đề xã hội...

Rác thải nhựa được tái chế thành ván ép xuất khẩu tại Công ty Thanh Tùng 2, Đồng Nai.

Rác thải nhựa được tái chế thành ván ép xuất khẩu tại Công ty Thanh Tùng 2, Đồng Nai.

>>Cơ hội lớn từ chuyển đổi kinh tế tuần hoàn

“Chìa khoá” tăng trưởng

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế tuần hoàn gắn với liên kết vùng mới là bước đầu. Dù đã có nhiều nỗ lực ban hành khung chính sách, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh kinh tế tuần hoàn và các nội dung liên quan đến kinh tế tuần hoàn, Việt Nam vẫn cần tiếp tục hoàn thiện các quy định trên nhiều lĩnh vực như khu công nghiệp, khu kinh tế, đất đai, phát triển nguồn nhân lực, tín dụng xanh, trái phiếu xanh,… Triển khai nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 687/QĐ-TTg, CIEM đã và đang tham vấn các cơ quan, chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn. Theo đó, các lĩnh vực được đề xuất thử nghiệm bao gồm nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng; vật liệu xây dựng. Các lĩnh vực này tạo không gian đủ rộng để phát huy sức sáng tạo và tinh thần doanh nhân trong việc đề xuất, triển khai các dự án kinh tế tuần hoàn, kể cả ở quy mô vùng.

Ở một phương diện khác, thể chế thúc đẩy liên kết vùng ở Việt Nam cũng đang trong quá trình hoàn thiện. Tính đến cuối năm 2023, các Hội đồng điều phối vùng cũng đã được thành lập, kiện toàn cho cả 6 vùng kinh tế- xã hội. Khi các Hội đồng điều phối vùng hoạt động có chiều sâu và hiệu quả hơn, cơ hội cho thúc đẩy liên kết vùng, đặc biệt thông qua các mô hình, dự án kinh tế tuần hoàn, là không nhỏ. Dù vậy, cơ hội ấy chỉ được hiện thực hóa nếu các địa phương trong vùng xác định được lợi thế riêng của mình và quyết liệt phát huy được lợi thế riêng ấy trong quan hệ hợp tác với nhau, thay vì “nỗi sợ khác người”. Chính ở đây, sớm hiện thực hóa và triển khai cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn có ý nghĩa rất quan trọng, để tạo động lực cho các địa phương chia sẻ kinh nghiệm, đối thoại, tiến tới cùng chung tay phát triển các dự án phù hợp ở quy mô vùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Tác động và ảnh hưởng của kinh tế tuần hoàn đối với thương mại điện tử

    04:50, 24/12/2023

  • Kinh tế tuần hoàn từ tiếp cận doanh nghiệp (Kỳ 1): Lợi ích và rào cản

    04:02, 05/11/2023

  • Kinh tế tuần hoàn từ tiếp cận doanh nghiệp (Kỳ 2): Khảo sát 100 công ty, thấy gì?

    04:52, 06/11/2023

  • Cơ hội lớn từ chuyển đổi kinh tế tuần hoàn

    03:00, 04/11/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Sức sống cho kinh tế tuần hoàn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO