Lộc Ninh đã và đang tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển mạnh Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội.
>>Bình Phước kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng huyện Lộc Ninh
Lộc Ninh là vùng đất “phên giậu” quan trọng phía Tây Nam của Tổ quốc. Sau 50 năm giải phóng, đến với Lộc Ninh hôm nay, để chứng kiến sự đổi thay, vươn lên mạnh mẽ, một sức sống mới, khí thế mới của huyện vùng biên giới.
17 giờ ngày 07/4/1972, Lộc Ninh (Bình Phước) trở thành huyện đầu tiên ở miền Nam được hoàn toàn giải phóng. Sự kiện lịch sử này góp phần quan trọng tạo ra bước đột phá chiến lược trong sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Vào 05 giờ 30 phút ngày 05/4/1972, Bộ Chỉ huy chiến dịch phát lệnh nổ súng tấn công đánh địch quyết tâm giải phóng huyện Lộc Ninh. Bộ đội chủ lực vây hãm, tấn công các căn cứ điểm quân sự của địch trên toàn huyện Lộc Ninh. Đại đội 31 cùng du kích đánh chiếm đồn Bảo An làng 2, Lộc Khánh, Lộc Bình, Lộc Tấn. Nhân dân Lộc Ninh đồng loạt đứng lên tước súng phòng vệ dân sự, truy tìm, kêu gọi binh lính Mỹ - ngụy đầu hàng. Đúng 17 giờ ngày 07/4/1972, huyện Lộc Ninh được hoàn toàn giải phóng.
Sau ngày giải phóng, Lộc Ninh trở thành Thủ phủ của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, nơi đặt căn cứ của Bộ Chỉ huy Quân giải phóng miền Nam Việt Nam và trụ sở làm việc của các phái đoàn quân sự 4 bên, là nơi tiếp khách Quốc tế theo tinh thần của Hiệp định Paris ký kết ngày 27/01/1973.
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy Mùa xuân năm 1975, Lộc Ninh vinh dự được chọn đặt Sở Chỉ huy của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, từ đây đã truyền đi những quyết định quan trọng của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng và Bộ Chỉ huy chiến dịch trong những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước sắp kết thúc.
Sau 1975, Lộc Ninh trở thành vùng đất để mọi người con từ Nam tới Bắc về đây sinh cơ lập nghiệp với 14 dân tộc khác nhau. Trong những năm bắt đầu đổi mới, kiến thiết đất nước, quân và dân Lộc Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng lại ra sức thi đua để lập lên những thành tích mới. Đời sống tinh thần, vật chất của người dân Lộc Ninh sau nửa thế kỷ đã có sự thay đổi rõ rệt, đưa Lộc Ninh ngày càng vươn lên, mang tầm vóc mới…
Ông Lê Trường Sơn - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Lộc Ninh cho biết, là huyện có gần 110km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia, Lộc Ninh luôn xác định phát triển kinh tế - xã hội phải gắn với bảo vệ biên giới hòa bình, hữu nghị. Năm 2021 là năm khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng Lộc Ninh đã thực hiện thắng lợi hầu hết các chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra. Thu ngân sách 573 tỷ 408 triệu đồng, tăng 96,7 lần; GRDP bình quân đầu người đạt 68,2 triệu đồng/người.
Đặc biệt, với lợi thế có cửa khẩu quốc tế và tuyến quốc lộ 13 ngang qua địa bàn, thông thương sang Campuchia, những năm qua, Lộc Ninh đã tập trung đầu tư nâng cấp, phát triển mạnh Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Hoa Lư trở thành điểm nhấn phát triển kinh tế - xã hội.
Có thể bạn quan tâm