Nếu dịch bệnh kết thúc trong quý I, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo gửi thường trực Chính phủ về tác động của dịch COVID-19 đến kinh tế - xã hội Việt Nam mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do COVID-19 tác động mạnh đến sản xuất công nghiệp, trong đó có nhiều ngành nghề chủ lực.
Sản xuất công nghiệp gặp khó
Theo báo cáo, ngành sản xuất, chế biến thực phẩm có xu hướng tăng trưởng chậm do dịch bệnh và xuất khẩu sang Trung Quốc bị đình trệ, tâm lý người tiêu dùng lo ngại dịch bệnh cộng với Nghị định 100 của Chính phủ ban hành đã hạn chế tiêu dùng trong ăn uống tại các nhà hàng, làm cho ngành chế biến thực phẩm và đồ uống tăng chậm và giảm.
Các sản phẩm của ngành công nghiệp điện - điện tử là các mặt hàng có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn nhất giữa Việt Nam và Trung Quốc (gồm 2 nhóm hàng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng này sang Trung Quốc năm 2019 là hơn 17,8 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là gần 19,7 tỷ USD).
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam nhập khẩu linh kiện điện tử chủ yếu từ Trung Quốc. Do đó, các biện pháp kiểm dịch sẽ gây ảnh hưởng đến nguồn cung ứng đầu vào phục vụ sản xuất cũng như thị trường tiêu thụ cho ngành điện tử Việt Nam, đặc biệt là ảnh hưởng đến nguồn linh phụ kiện đầu vào cho sản xuất trong nước.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 14/02/2020
11:00, 13/02/2020
06:00, 13/02/2020
20:41, 12/02/2020
Đối với ngành da giày, theo nhìn nhận từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nếu dịch diễn biến phức tạp kéo dài sang quý II sẽ ảnh hưởng đến nguồn nguyên phụ liệu của Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ phải nhập khẩu nguyên phụ liệu theo đường biên giới (đường bộ), từ đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp.
Sức mua của thị trường Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến các đơn hàng xuất khẩu da giầy của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc và ảnh hưởng đến kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành da giầy Việt Nam.
Tương tự như ngành da giày, ngành dệt may Việt Nam phải nhập khẩu số lượng lớn nguyên liệu dệt may từ thị trường Trung Quốc để phục vụ sản xuất và xuất khẩu.
Do vậy, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, nếu dịch kéo dài sẽ khiến các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu dệt may của Việt Nam khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn nguyên vật liệu đầu vào, tăng chi phí sản xuất khi phải nhập khẩu nguyên liệu giá cao hơn hàng Trung Quốc.
Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 4,2 tỷ USD (đứng thứ 5 sau Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc), chiếm 10,8% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong đó, xuất khẩu xơ sợi đạt 2,4 tỷ USD (90% sợi cotton của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc). Do vậy, các nhà máy sợi Việt Nam sẽ khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nói chung về cơ bản không chịu ảnh hưởng. Tuy nhiên, riêng dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM) sẽ bị ảnh hưởng nặng nề do các nguyên liệu (than cốc, vật liệu chịu lửa), phụ tùng thay thế chủ yếu nhập khẩu qua các cửa khẩu đường bộ tại Lào Cai.
Nếu thực hiện việc dừng xuất nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc, dự án sẽ gặp nhiều khó khăn. Việc nhập khẩu bằng đường thủy thay thế đường bộ sẽ phát sinh nhiều chi phí cho Dự án vốn đã khó khăn sẽ càng gặp thêm nhiều khó khăn.
Một dự án khác của ngành Khoáng sản là Dự án luyện đồng tại Lào Cai của Tổng công ty Khoáng sản - Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn nếu dừng nhập khẩu hàng hóa qua cửa khẩu đường bộ với Trung Quốc do thiết bị của Dự án được nhập khẩu từ Trung Quốc qua cửa khẩu đường bộ tại Lào Cai.
Nhiều doanh nghiệp trong nước có sử dụng chuyên gia quản lý, chuyên gia kỹ thuật Trung Quốc nên cũng gặp khó khăn trong việc ổn định nhân lực, triển khai sản xuất sau Tết nguyên đán Canh Tý.
Tìm thuận lợi trong khó khăn
Xuất khẩu da giày của Việt Nam đối với thị trường Trung Quốc chủ yếu được thực hiện chính ngạch theo hệ thống vận chuyển bằng container qua đường biển (xuất nhập khẩu qua biên mậu không đáng kể). Trong đó, khoảng 80% doanh nghiệp xuất khẩu da giày của Việt Nam là các doanh nghiệp FDI.
Hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI được thực hiện theo các đơn hàng gia công theo kế hoạch của công ty mẹ. Nguyên phụ liệu sản xuất chủ yếu là nhập khẩu từ Quảng Châu - Trung Quốc.
Do vậy, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong ngắn hạn các doanh nghiệp xuất khẩu đã có kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và cung ứng nguyên phụ liệu đầy đủ từ trước phục vụ sản xuất nên tác động của dịch tới sản xuất, xuất nhập khẩu da giầy của Việt Nam với thị trường Trung Quốc không nhiều.
Thực tế, tác động chủ yếu và tạm thời đối với ngành da giày Việt Nam là việc các chuyên gia Trung Quốc, Đài Loan khi về nước để nghỉ Tết âm lịch hiện đang gặp khó khăn trong việc trở lại Việt Nam do chủ trương hạn chế nhập cảnh, trong khi ngành này chủ yếu sử dụng các chuyên gia nước ngoài là người Trung Quốc, Đài Loan.
Trong dài hạn, vì Trung Quốc là một trong những quốc gia xuất khẩu da giầy lớn nhất thế giới nên trường hợp diễn biến xấu, dịch kéo dài sẽ khiến hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng da giày của Trung Quốc suy giảm.
Vì vây, đây được cho là cơ hội để hàng da giày Việt Nam tận dụng cơ hội xuất khẩu thay thế, tham gia sâu hơn vào các thị trường khác trên thế giới. Các đơn hàng xuất khẩu trên thế giới nhiều khả năng có thể sẽ chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia khác ngoài vùng dịch bệnh, trong đó có Việt Nam.
Năm 2019, Việt Nam nhập khẩu khoảng 14,5 triệu tấn sắt thép các loại, trong đó từ Trung Quốc là 5,1 triệu tấn, chiếm khoảng 35% tổng lượng thép nhập khẩu của cả nước. Nhập khẩu sắt thép từ Trung Quốc chủ yếu thực hiện bằng đường biển (một số ít đường Bộ qua cửa khẩu Lào Cai) nên cơ bản nguồn cung không bị ảnh hưởng.
Mặt khác, do nền kinh tế Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi dịch nên dự báo nhu cầu tiêu thụ thép của Trung Quốc sẽ giảm, giá thép trên thị trường thế giới có thể giảm theo do Trung Quốc sản xuất và tiêu thụ khoảng 50% sản lượng thép trên toàn thế giới.
Đồng thời, do các chính sách chống lẩn tránh thuế đối với mặt hàng thép có xuất xứ từ Trung Quốc của EU và Mỹ nên các doanh nghiệp nhập khẩu thép làm nguyên liệu sản xuất hiện nay không phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc mà nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga...
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, về cơ bản các nguồn cung thép nhập khẩu của Việt Nam không bị ảnh hưởng, có thể được hưởng lợi do giá nhập khẩu có thể giảm trong thời gian tới.
Hai kịch bản tăng trưởng ngành
Theo báo cáo phân tích từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tác động của dịch COVID-19 chủ yếu đến ngành chế biến, chế tạo, ảnh hưởng tiêu cực đến những ngành sản xuất, xuất khẩu sử dụng nhiều nguyên, vật liệu, phụ kiện xuất xứ từ Trung Quốc và các doanh nghiệp Trung Quốc đang đầu tư, sản xuất ở Việt Nam.
Những ngành/sản phẩm chịu nhiều thiệt hại như: dệt, may, da, giày với các sản phẩm/nguyên vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc; sản xuất các sản phẩm điện tử, máy tính và sản phẩm quang học; sản xuất xe có động cơ; sản xuất kim loại.
Do đó, trong trường hợp dịch bệnh kết thúc trong quý I, dự kiến giá trị gia tăng ngành công nghiệp quý I/2020 chỉ tăng 5,18% so với cùng kỳ năm trước (Quý I/2019 và quý I/2018 tăng lần lượt 9% và 10,45%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất, là ngành chiếm tỷ trọng lớn nhất trong ngành công nghiệp, chỉ tăng 6,28% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 10,47%).
Còn trong trường hợp dịch bệnh kết thúc cuối quý II/2020, dự kiến giá trị tăng thêm ngành công nghiệp quý II/2020 tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước (Quý II/2019 và quý II/2018 tăng lần lượt là 9,24% và 8,34%).
Trong đó, ngành chế biến, chế tạo chịu tác động nhiều nhất, tăng 6,23% (nếu không có dịch, dự kiến tăng 11,21%).
=>>> Mời độc giả đón đọc Bài 6: Gián đoạn nguồn cung chỉ là tạm thời