Doanh nghiệp đề xuất đơn giản thủ tục tiếp cận gói tín dụng, đồng thời xem xét cho vay không bảo lãnh tài sản, cho vay thông qua bảo lãnh hợp đồng kinh tế với đối tác đáng tin cậy.
Theo ông Nguyễn Văn Thời, Chủ tịch HĐQT TNG, đại dịch COVID-19 ập tới, doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại nặng nề. Nếu như trog quý I/2020 là khó khăn về đứt nguồn cung nguyên liệu, thì tới quý II/2020 là đứt nguồn đầu ra. Nhiều khách hàng ngừng đơn hàng và đối tác chậm thanh toán.
“Do đó, hiện doanh nghiệp đang rất thiếu vốn, vốn như dòng máu nuôi cơ thể. Do đó, các gói tín dụng nên cắt giảm các thủ tục cho doanh nghiệp, xem xét cho vay không bảo lãnh tài sản, cho vay thông qua bảo lãnh hợp đồng kinh tế với đối tác đáng tin cậy, tháo gỡ được vốn lưu động cho doanh nghiệp thì doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh chóng”, ông Thời nhấn mạnh.
Không chỉ với TNG, hàng loạt các doanh nghiệp tham gia khảo sát đánh giá của Báo cáo “Tác động của dịch bệnh COVID-19 đối với doanh nghiệp Việt Nam” cũng đề xuất các giải pháp liên quan tín dụng và miễn giảm thuế.
“Trong đó, miễn giảm thuế là kiến nghị phổ biến nhất khi có tới 1.560 lượt doanh nghiệp đề cập đến. Doanh nghiệp đề nghị Nhà nước tính toán giảm thuế cho doanh nghiệp hoặc thậm chí miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, và duy trì chính sách này thêm trong ít nhất 1 năm nữa”, ông Đậu Anh Tuấn, trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết.
Một số doanh nghiệp cũng đề xuất cần miễn giảm cả thuế môn bài, thuế khoán cho những hộ kinh doanh nhằm vực dậy khu vực này đồng thời khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi sang hình thức doanh nghiệp.
Cũng liên quan đến nhóm giải pháp về thuế là đề xuất giãn thuế, gia hạn nộp thuế. 316 lượt doanh nghiệp đưa ra kiến nghị có đề cập đến nội dung này. Các loại thuế được đề nghị gia hạn nộp gồm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và cả các loại thuế thu nhập của hộ kinh doanh.
Cùng với đề xuất miễn giảm thuế, doanh nghiệp cũng đề nghị các thủ tục tiếp cận tín dụng nên được đưa ra với điều kiện dễ dàng hơn trong bối cảnh đại dịch Covid-19, chẳng hạn như xem xét cho vay không bảo lãnh tài sản, cho vay thông qua bảo lãnh hợp đồng kinh tế với đối tác đáng tin cậy.
Doanh nghiệp cũng đồng thời mong muốn giảm các chi phí của hoạt động kinh doanh. “Trong số các doanh nghiệp nêu quan điểm, 149 trường hợp đề nghị các cơ quan Nhà nước cho phép giảm hoặc gia hạn các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội và phí công đoàn. Tương tự, 113 doanh nghiệp đề cập đến việc tiết kiệm các chi phí đầu vào thông qua giảm giá điện/nước/xăng dầu, giảm giá/phí thuê đất”, Trưởng Ban pháp chế VCCI chia sẻ.
Một số doanh nghiệp khác kiến nghị cơ quan Nhà nước ở địa phương hỗ trợ các chi phí tuyển dụng, đào tạo lao động và cung cấp các khóa đào tạo phù hợp cho các doanh nghiệp.
Hoặc có giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt là nhập khẩu các nguồn nguyên vật liệu đầu vào để phục vụ sản xuất kinh doanh.
Đặc biệt, Báo cáo cho biết các doanh nghiệp nhấn mạnh các cơ quan Nhà nước cần tiếp tục đánh giá các quy trình thủ tục hành chính hiện có trong phạm vi thẩm quyền để tìm cách đơn giản hóa. Đề xuất cơ quan Nhà nước đưa ra các hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu về cách thức nhận hỗ trợ đồng thời đơn giản hơn tiêu chí nhận hỗ trợ so với quy định hiện nay.
Vấn đề thực thi chính sách hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 cũng được nêu ra, trong đó doanh nghiệp mong muốn các bộ ngành ở trung ương tăng cường đốc thúc, giám sát việc triển khai gói hỗ trợ ở các địa phương để đảm bảo tính minh bạch và công bằng.
Ở góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch TNG nhận định do dịch bệnh còn được dự báo gây tác động 4-5 năm tới, doanh nghiệp cần tiếp tục thích ứng theo nhu cầu thị trường, tự tái cấu trúc và đáp ứng. Ví dụ thay vì các mặt hàng truyền thống trước kia, đến nay các doanh nghiệp cần hướng tới các sản phẩm như khẩu trang, như vắc xin…
Cùng với đó, việc chuyển đổi phương thức hoạt động kinh doanh, như chuyển sang trực tuyến, online…doanh nghiệp cũng cần thích ứng, xây dựng chiến lược dài hơi để thích ứng.
Có thể bạn quan tâm
10:31, 12/03/2021
09:06, 12/03/2021
04:00, 07/03/2021