Nguồn vốn ít, thiếu hụt nhân tài cùng hành lang pháp lý chưa theo kịp đang kìm chân các start-up Việt.
Đó là nhận định của bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Giám đốc quốc gia (Việt Nam, Lào và Campuchia) của Google, đưa ra tại Diễn đàn Khởi nghiệp ASEAN 2020 vừa diễn ra. Bà Trâm đã chỉ ra những hạn chế của các start-up Việt cũng như chia sẻ các cơ hội để các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp tiếp cận vốn, công nghệ và tính địa phương hóa để phát triển. Trong đó có việc thu hút và giữ chân nhân tài, "xương sống" của các start-up Việt.
Theo bà Nguyễn Quỳnh Trâm, Việt Nam là một quốc gia đầy sức sống, nhiều tham vọng và cũng rất sáng tạo. Đặc biệt, trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Việt Nam có một cộng đồng lập trình viên đang phát triển mạnh mẽ nhất nhì khu vực. Thị trường kinh tế số của Việt Nam trị giá 9 tỉ USD năm 2018, do đó tiềm năng còn rất lớn trong thời gian tới. "Nếu bạn nghĩ rằng đây chỉ là một con số khiêm tốn thì hãy nhìn vào tốc độ tăng trưởng suốt 3 năm qua. So với năm 2018, nay con số đã tăng gấp 3 lần, lên 27 tỉ USD" - bà Trâm nói.
Bà Trâm dẫn một báo cáo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co., ước tính đến năm 2025, nền kinh tế internet khu vực Đông Nam Á sẽ đạt 300 tỉ USD. Trong đó, Việt Nam đạt 43 tỉ USD, xếp thứ ba sau Indonesia và Thái Lan. Tuy khẳng định thị trường Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển nhưng bà Trâm cho rằng vẫn có nhiều thách thức đang làm chậm quá trình phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Đầu tiên là vấn đề thiếu nguồn vốn cho các start-up công nghệ.
Hiện đa phần các start-up kỳ lân (được định giá trên 1 tỉ USD) hay start-up ở giai đoạn sau của quá trình khởi nghiệp mới tiếp cận được nguồn vốn. Trong khi start-up còn ở giai đoạn đầu thường rất khó khăn tiếp cận vốn đầu tư do rủi ro cao. "Điều này sẽ làm cản trở sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở Việt Nam. Do đó, cần đẩy mạnh tiếp cận nguồn vốn cho các DN khởi nghiệp từ giai đoạn sớm, có thể là thông qua các quỹ đầu tư mạo hiểm" - bà Trâm nói.
Một điểm nhấn khác cũng được vị giám đốc quốc gia của Google đưa ra là hành lang pháp lý cho DN khởi nghiệp sáng tạo cũng đang bất cập. Ngoài thủ tục còn phức tạp, Việt Nam vẫn chưa có luật tương ứng với các mô hình kinh doanh mới đang nở rộ trên toàn cầu và mang lại giá trị kinh tế cao. Ở nhiều quốc gia, start-up thường hưởng những cơ chế riêng, giảm bớt những pháp lý không cần thiết nhằm khuyến khích các DN khởi nghiệp sáng tạo, giúp gia tăng giá trị kinh tế.
Thiếu hụt nhân tài cũng là rào cản tiếp theo ngáng chân các DN start-up phát triển bùng nổ. Theo nhận định của bà Trâm, định hướng nghề nghiệp chưa ổn định, đào tạo tại các trường còn chưa sát thực tế nhu cầu của DN, không cho ra nhiều nhân tài. Thiếu hụt thông tin mang tính địa phương hóa cũng là khó khăn cho các lập trình viên và chuyên gia trong quá trình nghiên cứu, phát triển. Bà Trâm gợi ý cần tập trung vào các chương trình và sáng kiến phát triển nhân tài cả dưới hình thức hợp tác công tư để xây dựng đội ngũ nhân lực chất lượng cao đủ tiêu chuẩn đáp ứng cho quá trình phát triển nền kinh tế công nghệ số.
Ông Huỳnh Quốc Thắng, CEO ứng dụng Trường học thông minh (789.vn), cho rằng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ đang trong tình cảnh "thừa thầy thiếu thợ". "Tôi nói nôm na như thế vì lĩnh vực công nghệ cần những người thợ (Coder) chuyên nghiệp, những lập trình đầy sáng tạo và có tinh thần làm việc nhóm cao trong khi nhiều bạn vào công ty tôi với hồ sơ rất đẹp, từng làm quản lý này nọ nhưng đưa bài test thực tế thì không làm được. Nghĩa là họ phù hợp làm "thầy", chứ không thể lập trình" - ông Thắng nói.
Ông Thắng cũng chỉ ra rằng tinh thần làm việc nhóm và ham học hỏi cũng là những hạn chế trong nhân lực ngành công nghệ. Nhiều nhân viên chưa có kinh nghiệm nhưng luôn tự cho mình đẳng cấp để rồi không gắn bó được lâu dài. "Đa phần các bạn trẻ thích nhảy việc và điều này dẫn đến tình trạng trì trệ của các dự án, DN cũng rất đau đầu trong công tác quản trị" - ông Thắng nêu thực tế.
Bà Phạm Lan Khanh, người sáng lập Freelancer (người làm tự do) Việt, cho biết nhiều thống kê trên thế giới cho thấy nguyên nhân dẫn tới thất bại của một DN khởi nghiệp thường do sản phẩm khởi nghiệp không đáp ứng được nhu cầu thị trường (chiếm 42%), không có kế hoạch tài chính phù hợp, dẫn tới thiếu tài chính để phát triển DN (29%), không có đội ngũ phù hợp cho sự phát triển (23%), không có mô hình kinh doanh phù hợp (17%)...
"Như vậy, có thể thấy tỉ lệ thất bại do thiếu "người đồng hành" là khá cao. Nhân sự là một áp lực rất lớn cho các DN khởi nghiệp. Nếu lựa chọn sinh viên mới ra trường thì họ có nhiệt huyết nhưng kỹ năng thì chưa, kiến thức cũng chưa đầy đủ. Có thể dành thời gian để đào tạo nhưng đào tạo xong họ lại ra đi. Tình trạng DN lớn hút nhân sự của DN nhỏ, DN nhỏ hút nhân sự của DN mới thành lập... diễn ra khá phổ biến. Làm sao giữ được nhân sự gắn bó với DN khởi nghiệp là bài toán hết sức đau đầu" - bà Khanh nhận định.
"Một ý tưởng hay, một nhân sự giỏi là phải kiếm được tiền nên DN phải biết quản trị nhân sự và quan tâm sâu hơn đến việc quản trị các yếu tố khác như pháp lý, quản trị rủi ro, chiến lược… bởi đây là các yếu tố đầu vào của DN. Nếu không quản trị tốt thì những hoài bão và đam mê của người khởi nghiệp cũng chỉ dừng lại ở con số 0".
TS HOÀNG TRUNG DŨNG,
Chủ tịch Học viện Chiến lược và Nhân sự Kingsman