Việc phát triển lực lượng doanh nghiệp được xem là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.
>>Tái cấu trúc nền kinh tế từ doanh nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Nghị quyết số 54/NQ-CP ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025. Nghị quyết nêu rõ những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Theo đó, nhiệm vụ thứ nhất là tập trung hoàn thành các mục tiêu cơ cấu lại đầu tư công, ngân sách nhà nước, hệ thống các tổ chức tín dụng và đơn vị sự nghiệp công lập. Thứ hai là phát triển các loại thị trường, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng nguồn lực. Thứ ba, phát triển lực lượng doanh nghiệp; thúc đẩy kết nối giữa doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế; đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tại Diễn đàn Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 -2025: Những vấn đề đặt ra với doanh nghiệp do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức vào tháng 12/2021, bà Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết đây không phải là một kế hoạch mới, mà là bước tiếp nối và cụ thể hóa, gắn với điều kiện cụ thể của giai đoạn tới. Vì vậy, mục tiêu của kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế cho giai đoạn này là phải tạo sự thay đổi rõ nét trong mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tự chủ và khả năng thích ứng của nền kinh tế, từng bước hướng tới nền kinh tế dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững, hài hòa với văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh.
Ông Lê Duy Bình – Chuyên gia kinh tế - Giám đốc Ecomomica Việt Nam cho biết hơn 3 thập niên vừa qua từ năm 1991-2020, vai trò của doanh nghiệp cũng thay đổi. Năm 1991 khi chúng ta bắt đầu có Luật công ty, Luật doanh nghiệp tư nhân cho phép Khu vực tư nhân bắt đầu phát triển đến nay, số lượng doanh nghiệp phát triển rất mạnh mẽ. Trung bình giai đoạn 1991-2005 mỗi năm có 26.817 doanh nghiệp được thành lập; Giai đoạn 2005-2014 là 70.900 doanh nghiệp và ở giai đoạn 2015-2020 con số đã tăng lên 122.500 doanh nghiệp.
"Có thể nói doanh nghiệp đóng góp rất lớn vào quá trình tái cấu trúc của nền kinh tế của Việt Nam thời gian qua. Và tái cấu trúc nền kinh tế của Việt Nam không chỉ thể hiện ở cơ cấu GDP mà còn thể hiện ở sự khác biệt GTGT của các nền kinh tế khác nhau", ông Bình nói. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Duy Bình, mặc dù, số lượng doanh nghiệp tăng lên nhưng vẫn có những vấn đề mang tính chất cơ cấu đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Lê Võ Phương Nga - Giám đốc Quản trị tài chính Ngân hàng Đầu tư quốc tế Credit Agricole Pháp cho rằng, hiện nay, tái cơ cấu nền kinh tế đã có nhiều thay đổi so với trước, với 4 bài toán mang tính sống còn là xác định mô hình phát triển kinh tế tương lai gắn với phát triển kinh tế xanh và kinh tế số; tăng khả năng tương tác quốc gia, nâng cao khả năng cạnh tranh, hợp tác và vị thế trong chuỗi giá trị; lựa chọn thứ tự ưu tiên phát triển ngành mũi nhọn, phân bổ lại nguồn lực phát triển ở tầm quốc gia; cải cách thể chế, môi trường kinh doanh.
>>Tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025
“Áp lực hiện tại của cải cách thể chế, môi trường kinh doanh không chỉ xây dựng hành lang pháp lý, mà còn phải thể hiện bằng việc quyết tâm của Nhà nước để mở cửa chào đón doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều nước trong khu vực và trên thế giới đang đi rất nhanh và nhanh hơn Việt Nam. Lấy ví dụ, mặc dù thị trường tiền số vẫn đang còn nhiều tranh cãi, nhưng việc Chính phủ Pháp vừa mời lãnh đạo một doanh nghiệp tư nhân đến phát triển thị trường tiền số tại Pháp đã cho thấy sự chào đón, trải thảm đỏ mời doanh nghiệp đến chứ không phải ngồi chờ doanh nghiệp đến gõ cửa”, bà Nga nhấn mạnh.
Theo bà Nga, trong bối cảnh hiện nay, xu hướng toàn cầu hóa đang phát triển chậm lại, nhiều quốc gia dời công xưởng sản xuất tại Trung Quốc về nước để nội địa hóa sản xuất, đầu tư nguồn nhân lực nội địa.
Do đó, yếu tố mang tính quyết định lúc này đối với Việt Nam là phải đổi mới toàn diện cấu trúc nền kinh tế để đưa một số lĩnh vực lên trọng tâm như phát triển kinh tế xanh (công nghiệp xanh, tài chính xanh), ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, công nghệ mới, chuyển đổi số, robot dịch vụ… Việc ưu tiên tái cấu trúc ngành sẽ giúp đưa ra mục tiêu và biện pháp rõ ràng hơn.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, bà Nga khuyến nghị, doanh nghiệp cần nhanh chóng xác định và tháo gỡ các nút thắt của ngành hoạt động (vốn, công nghệ, lao động); tập trung vào khả năng thích ứng và chống chọi của doanh nghiệp (xây dựng khả năng thích ứng, chống chọi, và lợi nhuận mới theo sau đó); tái cơ cấu theo ngành, theo khu vực, trong đó nhấn mạnh sự cạnh tranh và hợp tác; đón xu thế trong nước và quốc tế theo ngành và chuỗi giá trị, công nghệ, xu thế chuyển dịch vốn và lao động.
Tại Kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Mục tiêu là phấn đấu tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt trên 6,5%/năm, cao hơn so với kết quả của giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%; bảo đảm tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm đạt khoảng 32 - 34% GDP; phát triển mạnh các loại thị trường yếu tố (thị trường đất đai, thị trường cổ phiếu…); kinh tế số chiếm 20% GDP; đạt khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp với tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP là khoảng 55%; có ít nhất 5 - 10 sản phẩm quốc gia xây dựng được thương hiệu quốc tế…
Có thể bạn quan tâm
Ngành du lịch đến thời điểm phải được ‘tái cơ cấu”
16:35, 07/01/2022
Nội lực trong tái cơ cấu nền kinh tế
04:30, 01/01/2022
Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới: Ba lý do cần tái cơ cấu
11:00, 09/12/2021
Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới
10:58, 09/12/2021
Tái cơ cấu nền kinh tế để thích ứng tình hình mới: Ba đột phá chiến lược
04:30, 08/12/2021
Một số giải pháp tái cơ cấu ngành Công Thương chưa phù hợp
04:00, 07/12/2021
Tái cơ cấu kinh tế: Cần cơ chế đột phá, tháo gỡ “nút thắt”
15:00, 30/10/2021