TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Sân chơi riêng của giới "tiền to"?

ĐÌNH ĐẠI 06/03/2021 06:15

Việc Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) muốn nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu/lệnh, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ có nguy cơ bị "đẩy" ra khỏi thị trường.

Sau khi lãnh đạo HOSE chi sẻ khả năng sẽ nâng lô giao dịch chứng khoán tối thiểu tại sàn này lên mức 1.000 cổ phiếu/lệnh, thay vì 100 cổ phiếu/lệnh như hiện nay, nhằm khắc phục tình trạng nghẽn lệnh giao dịch, và bảo vệ cho nhà đầu tư cá nhân, thì những người có trong mục tiêu được bảo vệ lại phản ứng gay gắt nhất. Nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ cho rằng, nếu quy định này được thực hiện thì việc họ bị đẩy r khỏi thị trường chứng khoán là điều không thể tránh khỏi.

Giải pháp nâng lô giao dịch chứng khoán lên 1.000 cổ phiếu/lệnh của lãnh đạo HOSE, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lo ngại sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường.

Giải pháp nâng lô giao dịch chứng khoán lên 1.000 cổ phiếu/lệnh của lãnh đạo HOSE, khiến nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ lo ngại sẽ bị đẩy ra khỏi thị trường.

Đại diện HOSE cho rằng, để đưa ra đề xuất trên, HOSE đã tham khảo thông lệ quốc tế và ý kiến các chuyên gia, báo cáo các cơ quan liên quan để đánh giá các tác động cũng như hiệu quả. HOSE cho rằng, việc tăng lô lên 1.000 cổ phiếu/lệnh có thể giảm 40 - 50% tổng số lượng lệnh giao dịch và mở đường cho những tầm cao mới của thanh khoản thị trường. Và tất nhiên, một nguyên do trước mắt nữa là giải pháp này dường như là lựa chọn khả thi nhất lúc này để thay đổi tình trang "nghẽn lệnh", mỗi phiên giao dịch dòng tiền tăng vọt, các lệnh đua chen thì bảng điện tử của HOSE lập tức cho nhà đầu tư "xơi kẹo cu đơ". Nhiều nhà đầu tư thậm chí còn ví von tình trạng "nghẽn lệnh" này chẳng khác nào bảng điện tử của HOSE bị... rơi phích cắm ổ điện rất đúng giờ (!).

Nhìn nhận kế hoạch tăng lô/ lệnh cũng trong tương quan với các thị trường quốc tế, nhiều nhà đầu tư khẳng định lựa chọn này là đi ngược với xu hướng của thị trường, không những gây cản trở cho sự phát triển của thị trường, mà còn khiến nhiều nhà đầu tư mới chưa có nhiều kinh nghiệm, nhà đầu tư nhỏ, những người hưởng cổ tức "bạc lẻ" bị thua lỗ đến ôm giấy nằm chờ vô thời hạn, vì khó có thể đáp ứng đủ số cổ phiếu theo lô và giao dịch.

TS. Đinh Thế Hiển – Chuyên gia Tài chính cho rằng, nhiệm vụ của HOSE là phát triển thị trường, lôi kéo nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia nhưng hiệu suất nhiệm vụ này hiện nay vẫn ở mức thấp. "Tình trạng "nghẽn lệnh" diễn ra thường xuyên và HOSE không nhìn nhận đây là sai lầm và thiếu sót của mình, thiệt hại lớn cho thị trường, lại dự kiến đưa ra những giải pháp tình thế ảnh hưởng đến nhà đầu tư là khó chấp nhận", ông Hiển nhận định.

Đây không phải là lần đầu, giới chuyên gia cũng như nhà đầu tư phản ứng gay gắt với các quyết định của lãnh đạo HOSE. Trước đây, khi đề xuất nâng lô giao dịch từ 10 cổ phiếu/ lệnh, lên 100 cổ phiếu/ lệnh, HOSE cũng đã vấp phải những phản ứng từ nhà đầu tư.

Ngay như Hiệp hội Các nhà đầu tư Tài chính Việt Nam (VAFI) cũng phản đối chủ trương này bằng việc gửi văn bản lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Theo VAFI, việc tăng lô sẽ ngăn cản sự phát triển của thị trường chứng khoán, loại bỏ các cơ hội được đào tạo, thử nghiệm đầu tư chứng khoán của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Hiện nay, số lượng nhà đầu tư cá nhân với tài khoản nhỏ hơn hoặc bằng 300 triệu đồng chiếm khoảng 35-40%, tương đương khoảng 1 triệu nhà đầu tư. Nếu HOSE tăng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu/lệnh, sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ những nhà đầu tư này”, đại diện VAFI lo lắng.

Có thể thấy, phương án nâng lô giao dịch lên 1.000 cổ phiếu của HOSE không những khiến các nhà đầu tư nhỏ lẻ phản ứng, mà còn khiến họ cảm thấy “tủi thân” và “bấp bênh”. Bởi đối với những nhà đầu tư nhỏ lẻ này thì với họ, thuật ngữ “mở đường cho những tầm cao mới” mà lãnh đạo HOSE đưa ra để lý giải cho giải pháp của mình là quá xa vời và mơ hồ.

Trên các diễn đàn của người chơi chứng khoán "tiền cỏ", một số nhà đầu tư khẳng định, nhiệm vụ của HOSE cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực này là phải tìm ra những giải pháp lâu dài và giải quyết dứt điểm tình trạnh “đơ bảng điện” khi thị trường tăng giao dịch đột biến; tạo lâp một thị trường chứng khoán an toàn, bảo vệ nhà đầu tư và phát triển bền vững, chứ không phải cứ loay hoay xử lý không được các vấn đề nền tảng, hệ thống của mình, thì chọn hướng dễ nhất là đẩy rủi ro về phía người "thấp cổ bé họng", đẩy nhà đầu tư nhỏ ra khỏi thị trường. Kể cả trong tình huống HOSE "bí lối", cũng không thể biến chứng khoán thành sân chơi riêng của người có "tiền to", của riêng nhà đầu tư lớn.

Có thể bạn quan tâm

  • Chứng khoán tháng 3: Cẩn trọng lỗ nặng vì đòn bẩy

    Chứng khoán tháng 3: Cẩn trọng lỗ nặng vì đòn bẩy

    16:29, 05/03/2021

  • Lạc quan chứng khoán 2021

    Lạc quan chứng khoán 2021

    06:30, 13/02/2021

  • Dòng tiền rẻ tiếp tục “chảy” vào thị trường chứng khoán

    Dòng tiền rẻ tiếp tục “chảy” vào thị trường chứng khoán

    06:04, 17/02/2021

  • Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam quyết định cơ chế ngắt mạch thị trường

    Sở giao dịch chứng khoán Việt Nam quyết định cơ chế ngắt mạch thị trường

    17:20, 05/02/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Sân chơi riêng của giới "tiền to"?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO