Ô tô - Xe máy

Tại sao thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là điều cần thiết?

Thanh Trà 25/11/2024 12:42

Việc trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô tại Việt Nam còn hạn chế, dù đây là yêu cầu thiết yếu để bảo vệ trẻ và sẽ sớm trở thành quy định bắt buộc.

Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống tai nạn thương tích, Đại học Y tế công cộng, chỉ có 1,3% ô tô tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng được trang bị thiết bị an toàn cho trẻ em. Cụ thể, tỷ lệ này là 2,6% tại Hà Nội, 1,1% tại Thành phố Hồ Chí Minh và 0% tại Đà Nẵng.

1-quy-dinh-ve-an-toan-cho-tre-tren-xe-o-to-lan-dau-tien-duoc-luat-hoa-dap-ung-nhu-cau-cua-xa-hoi-khi-nguoi-dan-su-dung-o-to-ngay-cang-nhieu-hon-anh-minh-hoa - internet-1432
Tỷ lệ sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô ở Việt Nam vẫn còn đang rất thấp. (Ảnh minh họa)

PGS.TS Phạm Việt Cường - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế công cộng nhấn mạnh, trẻ em không nên ngồi ở ghế trước, vì đây là vị trí chịu tác động nhiều hơn khi xảy ra va chạm. “Trẻ dễ văng ra ngoài xe nếu không cài dây an toàn, chịu lực va đập từ túi khí. Hơn nữa, thiết kế ghế trước không có hệ thống lắp thiết bị an toàn cho trẻ. Do đó, trẻ cần sử dụng thiết bị an toàn cho đến khi chiều cao khoảng 1,5 m, phù hợp với dây an toàn của người lớn”, ông Cường chia sẻ.

Không chỉ vậy, nhận thức của người dân về vị trí an toàn và các thiết bị bảo vệ cho trẻ em cũng rất hạn chế. Theo khảo sát, chỉ có 27,8% người được hỏi biết đến thiết bị an toàn chuyên dụng cho trẻ em, trong khi 3% không biết vị trí nào là an toàn cho trẻ khi ngồi ô tô.

Các quốc gia như Mỹ, Canada, Úc và Thụy Điển đã bắt buộc sử dụng thiết bị an toàn cho trẻ em từ những năm 1970 và ghi nhận hiệu quả rõ rệt. Tỷ lệ tử vong của trẻ em trong tai nạn giao thông tại Mỹ đã giảm 45% từ năm 1975 đến 2017, trong khi tại Thụy Điển, tỷ lệ này giảm đến 90% từ năm 1970 đến 2010.

Nhằm tăng cường bảo vệ trẻ em trên ô tô, Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đã đưa ra nhiều quy định mới. Theo đó, từ ngày 1/1/2026, trẻ em dưới 10 tuổi và cao dưới 1,35 m sẽ không được ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ trường hợp xe chỉ có một hàng ghế. Người lái xe cũng phải sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong giao thông đường bộ quy định mức phạt từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với người chở trẻ em mà không sử dụng thiết bị an toàn. Đây được xem là bước tiến quan trọng nhằm thay đổi thói quen và nhận thức của người dân, tương tự như thành công trong việc đội mũ bảo hiểm trước đây.

1689065025322 (1)
Mỗi gia đình có con nhỏ cần chủ động các biện pháp và trang thiết bị để bảo vệ cho trẻ em trên ô tô. (Ảnh minh họa)

TS Dương Khánh Vân, đại diện WHO tại Việt Nam, nhấn mạnh tầm quan trọng của các biện pháp hỗ trợ đi kèm: “Cơ quan nhà nước cần phối hợp với doanh nghiệp để cung cấp các chương trình hỗ trợ tài chính, giảm giá, kích cầu, đảm bảo chất lượng thiết bị an toàn phù hợp với điều kiện người tiêu dùng”.

Th.S Dương Kim Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống Tai nạn Thương tích, nhấn mạnh rằng truyền thông đóng vai trò then chốt trong việc nâng cao nhận thức của người dân về thiết bị an toàn cho trẻ em. Ông cho rằng nếu người dân chỉ biết một cách chung chung rằng thiết bị này tốt cho trẻ mà không nắm rõ thông tin chi tiết như độ tuổi nào cần sử dụng thiết bị gì hay địa điểm mua thì việc thúc đẩy hành vi sử dụng sẽ gặp khó khăn. Vì vậy, cần cung cấp đầy đủ và cụ thể thông tin để người dân hiểu rõ và áp dụng.

Với hơn một năm trước khi các quy định bắt buộc có hiệu lực, mỗi gia đình nên chủ động trang bị các thiết bị an toàn cần thiết và hình thành thói quen bảo vệ con em mình khi tham gia giao thông bằng ô tô. Việc tuân thủ các quy định không chỉ là nghĩa vụ pháp lý mà còn là trách nhiệm bảo vệ sự an toàn cho các thế hệ tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tại sao thiết bị an toàn cho trẻ em trên ô tô là điều cần thiết?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO