Mưa to liên tiếp từ đêm 22-24/5 đã khiến nước tại một số hồ, đập và ngầm, tràn qua suối trên địa bàn huyện Tam Đảo (tỉnh Vĩnh Phúc) dâng cao, gây ngập lụt một số tuyến đường giao thông, khu dân cư.
>>Biến đổi khí hậu là nguyên nhân gây ngập lụt kinh hoàng tại Châu Á!
Thống kê sơ bộ của UBND huyện Tam Đảo cho biết, trên 20km đường giao thông các tuyến tỉnh lộ, liên xã, liên thôn ở Tam Đảo bị ngập nước. Tuyến đường lên thị trấn Tam Đảo từ Km14 đến Km21 có hơn 20 điểm sạt lở lớn nhỏ, có vị trí đất đá sạt tràn lấn toàn bộ lòng đường.
Bước đầu xác định có khoảng 280m tường rào, cổng nhà dân bị đổ sập, hư hỏng; 20ha cây ăn quả bị thiệt hại khoảng 30%; 44ha hoa màu bị ảnh hưởng; 110ha lúa bị ngập nước… Huyện Tam Đảo ước tính tổng thiệt hại về tài sản khoảng 3 tỷ đồng.
Trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu, Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia, những ngày vừa qua, rãnh gió mùa (là khu vực hội tụ của hai đới gió mùa: Đông Bắc và Tây Nam) có trục đi qua Bắc Bộ là nguyên nhân trực tiếp gây ra mưa lớn diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.
Đặc biệt trong ngày 23-24/5, rãnh áp thấp hoạt động mạnh, kết hợp với vùng xoáy thấp trên rãnh áp thấp phát triển đến độ cao 5.000m là nguyên nhân gây ra mưa rất to ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ ngày 25/5, dự báo rãnh áp thấp và vùng xoáy thấp hoạt động yếu dần sẽ làm cho mưa lớn ở khu vực này suy giảm.
Theo ông Hưởng, thông thường trong tháng 5 (tháng chuyển tiếp giữa gió mùa Đông Bắc và gió mùa Tây Nam), dưới tác động của rãnh gió mùa, các tỉnh miền Bắc vẫn thường xuyên xuất hiện các đợt mưa rào và dông. Vì thế những đợt mưa tương tự như đợt mưa từ ngày 21/5 ở Bắc Bộ không phải xảy ra lần đầu tiên. Tuy nhiên, đợt mưa diện rộng lần này có cường độ lớn, tổng lượng mưa phổ biến từ 100-250mm, một số nơi như Vĩnh Phúc xuất hiện lượng mưa kỉ lục.
“Tam Đảo lượng mưa 4 ngày lên tới 808mm, đây là lượng mưa cao nhất trong tháng 5 từ trước tới giờ. Trong ngày 23/5 tại khu vực Tam Đảo (Vĩnh Phúc) có mưa to với lượng mưa đo được là 464mm/ngày. Đây là lượng mưa ngày lớn nhất ghi nhận tại Tam Đảo từ năm 1962 tới nay, lượng mưa ngày kỷ lục trước đó là 379mm/ngày ghi nhận vào ngày 25/8/2003”. – ông Hưởng nói.
>>Ngập lụt ở miền Trung do thủy điện xả lũ?
>>Mưa lớn gây ngập lụt tại Hội An
Vẫn theo ông Hưởng, trongquá khứ, đợt mưa lớn gần nhất trong tháng 5 có cường độ tương tự ở Bắc Bộ xảy ra vào ngày 23-26/5/2016. Điều này có thể là một dấu hiệu cho thấy năm nay có khả năng sẽ là một năm có nhiều thiên tai bất thường ở nước ta.
Ngoài ra, hiện tượng La Nina được dự báo tiếp tục duy trì trong những tháng tới và chi phối mạnh đến diễn biến thiên tai trong năm 2022. Mặc dù không thể khẳng định chắc chắn La Nina sẽ gây ra thiên tai cụ thể thế nào nhưng theo phân tích thống kê, những năm La Nina thường có mưa lũ nhiều và phức tạp ở khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo cơ quan khí tượng, từ nay đến hết tháng 5, mưa lớn cục bộ liên tục xảy ra ở vùng núi và trung du Bắc Bộ. Người dân cần đề phòng lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh trong mưa dông. Vùng núi Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở và khu vực trũng, thấp có thể ngập úng.
Đại diện cơ quan khí tượng cũng dự báo mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn cùng kỳ nhiều năm từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay. Trái lại, khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ xu hướng thiếu hụt mưa so với trung bình nhiều năm vào tháng 6-9.
Từ khoảng tháng 10-11, mưa có xu hướng gia tăng ở khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ. Chuyên gia cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh, thành phố miền Trung trong các tháng cuối năm.
Có thể bạn quan tâm
00:10, 20/10/2020
09:03, 14/10/2020
12:05, 09/10/2020
13:45, 01/12/2021
20:58, 13/05/2022
11:10, 23/10/2021