Việc dùng tài sản công là đất đai để thanh toán cho nhà đầu tư BT được dừng lại cho đến khi có Nghị định mới của Chính phủ.
Từ 1/1/2018, tất cả các tỉnh đều phải tạm dừng dự án đầu tư BT.
Khắc phục tồn tại
Bộ Tài chính vừa có công văn gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn một số nội dung liên quan đến chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu kể từ ngày 1/1/2018 tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công (đất đai) để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định về nội dung này có hiệu lực thi hành.
Trước đó, Bộ Tài chính cũng đề nghị UBND thành phố Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT để bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật và ý kiến chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ.
Theo công văn của Bộ Tài chính, vừa qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng có phản ánh về việc UBND TP Hà Nội quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho 5 dự án (DA) về hạ tầng giao thông theo hình thức hợp đồng BT; thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.
Bộ Tài chính cho rằng, theo quy định trong Luật Quản lý sử dụng tài sản công, từ ngày 1/1/2018 đã không còn áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015 của Thủ tướng. Quyết định này cho phép thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hợp đồng BT.
Từ năm 2017, Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ dự thảo Nghị định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức này và đến nay nghị định đó chưa được ban hành.
Vì vậy, để xử lý các vấn đề liên quan trong thời gian một số văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công chưa được ký ban hành, Bộ Tài chính đã đề nghị Chính phủ tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định trên có hiệu lực thi hành.
Như vậy, các dự án BT của Hà Nội phải tạm dừng lại, để chờ Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT có hiệu lực thi hành.
Đây cũng là bước khắc phục những tồn tại trong việc thực hiện các dự án BT.
Có thể bạn quan tâm
15:05, 02/08/2018
11:49, 17/07/2018
05:16, 24/06/2018
05:28, 03/06/2018
07:20, 02/06/2018
05:00, 12/05/2018
12:14, 04/03/2018
06:03, 10/02/2018
Cần giới hạn lại phạm vi áp dụng
Trao đổi về vấn đề này với VOV, GS Đặng Hùng Võ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc dừng dùng quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư dự án BT là cần thiết.
Ví dụ dự án BT xây dựng đường trục phía nam Hà Nội, do Cienco 5 làm chủ đầu tư, với 41 Km đường (mặt cắt đường 40 m, 4 làn xe) từ ngã ba Kiến Hưng (Hà Đông) tới Pháp Vân - Cầu Giẽ (Thường Tín), Nhà nước sẽ trả cho nhà đầu tư các khu đất để phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng. Sau 9 năm thực hiện, mới chỉ xây dựng được 12 km đường, nhưng đất đai cho phát triển khu đô thị mới Thanh Hà và Mỹ Hưng đã được giao cho chủ đầu tư và chủ đầu tư đã bán đất Thanh Hà cho chủ đầu tư khác.
Chính việc giao đất đối ứng dự án BT cùng với việc làm hạ tầng dẫn tới lơi lỏng trong quản lý. Hơn nữa, không có quy định cụ thể về việc định giá hạ tầng do nhà đầu tư xây dựng, kiểm toán kỹ thuật.
GS Đặng Hùng Võ cũng cho rằng, hiện nay, hành lang pháp lý cho đầu tư theo hình thức BT đã được nâng cấp, mặc dù vẫn đang tồn tại những khoảng trống và khoảng chồng chéo pháp luật, cần tiếp tục hoàn thiện. Điều cần làm hiện nay là hoàn thiện các quy định pháp luật về đầu tư theo hình thức BT dưới dạng một Nghị định của Chính phủ dưới ô của Luật Đầu tư công 2014 hoặc dưới ô của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Mặt khác, việc thực thi pháp luật cũng cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, nhất là quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT.
Vẫn theo GS Đặng Hùng Võ, cần giới hạn lại phạm vi áp dụng dự án đầu tư theo hình thức BT: chỉ được áp dụng tại những địa phương kém phát triển, nguồn thu ngân sách yếu kém mà ngân sách trung ương vẫn phải trợ giúp, hạ tầng chưa đủ để thu hút đầu tư. Tại những địa phương có hạ tầng phát triển tốt thì không thực hiện dự án BT mà phải thực hiện cơ chế Nhà nước đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng.
Dự án BT có nhược điểm chủ yếu là làm cạn kiệt nguồn lực đất đai. Khi áp dụng, cần hoàn thiện cơ chế xác định giá trị công trình hạ tầng, giá trị đất đai trả cho nhà đầu tư và chi tiết hóa hợp đồng BT theo quy định của pháp luật. Hơn nữa, mọi dự án đối tác công - tư phải được công khai toàn bộ, có sự tham gia giám sát của người dân và cơ quan nhà nước có liên quan phải thực hiện đúng trách nhiệm giải trình trước các ý kiến giám sát của nhân dân. Đây là những nguyên tắc cơ bản của một hệ thống quản trị tốt.