TẦM NHÌN VIỆT NAM 2021 - 2030 (Kỳ II): Tìm kiếm mục tiêu chiến lược mới

Diendandoanhnghiep.vn Theo WB, để trở thành một nền kinh tế có thu nhập trung bình cao và thu nhập cao, Việt Nam cần phát huy mục tiêu chiến lược tăng trưởng bao trùm và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Tuy nhiên, theo khuyến nghị của WB, dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030 vẫn còn sáu điểm hạn chế.

Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu sự phát triển trong tương lai đảm bảo cơ hội cho tất cả mọi người và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào năm 2030

Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu sự phát triển trong tương lai đảm bảo cơ hội cho tất cả mọi người và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào năm 2030.

Thứ nhất, thêm mục tiêu chiến lược tăng trưởng bao trùm và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên. 

Hiện dự thảo đã xác định năm mục tiêu: thể chế thị trường mạnh; nguồn nhân lực lành nghề; (áp dụng công nghệ hiện đại; phát triển văn hóa xã hội và cơ sở hạ tầng hiện đại. Chúng tôi đề xuất tổ soạn thảo nên bổ sung 2 mục tiêu chiến lược khác, đó là  tăng trưởng bao trùm và quản lý hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Mặc dù hai mục tiêu này có thể được gắn vào các mục tiêu hiện tại, chúng tôi tin rằng Việt Nam sẽ chỉ thành công nếu sự phát triển trong tương lai đảm bảo cơ hội cho tất cả mọi người và bảo tồn nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước vào năm 2030. Hãy thử tưởng tượng Việt Nam sẽ như thế nào khi trở thành một nền kinh tế hiện đại với lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng thông minh nhưng bất bình đẳng gia tăng và tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt. Liệu đó có được gọi là sự phát triển kinh tế thành công hay không?

Thứ hai, xác định rõ hơn việc lựa chọn các mục tiêu/chỉ số cụ thể. 

Mặc dù các mục tiêu nêu trong dự thảo Chiến lược hiện nay đã phản ánh rõ những ưu tiên được lựa chọn, nhưng cần xem xét lại một số mục tiêu này. Ví dụ, một chỉ số kết quả kinh tế tối ưu đo lường đóng góp của chính sách khoa học, công nghệ và đổi mới (STI) vào tăng trưởng có ý nghĩa quan trọng trong việc theo dõi tiến độ thực hiện, do dự thảo tập trung vào STI.

Một số mục tiêu cần xác định rõ ràng để tránh mơ hồ. Ví dụ, mục tiêu về GDP của nền kinh tế kỹ thuật số có thể khó đo lường, do các dịch vụ kỹ thuật số có thể được sử dụng rộng rãi để làm chi phí đầu vào của các lĩnh vực truyền thống, do đó không dễ đo lường đóng góp của nền kinh tế số vào tổng GDP.

Đối với các mục tiêu xã hội, chúng tôi đề xuất nên thay thế mục tiêu “Tỉ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35 - 40%” bằng các chỉ tiêu khác hoặc bổ sung thêm các chỉ số về chất lượng dịch vụ đào tạo như “tỉ lệ tốt nghiệp”, “tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau 6 tháng hoặc 1 năm”.

giai đoạn tiếp theo của Việt Nam sẽ là phát triển thêm nhiều việc làm mới có năng suất cao trong lĩnh vực dịch vụ

Giai đoạn tiếp theo của Việt Nam sẽ là phát triển thêm nhiều việc làm mới có năng suất cao trong lĩnh vực dịch vụ

WB lưu ý rằng dự thảo chiến lược hiện chưa có chỉ số nào cho hai mục tiêu chiến lược chính, đó là thể chế thị trường hiệu quả; và cơ sở hạ tầng hiện đại.

Chúng tôi đề xuất Chính phủ nên đưa vào những mục tiêu phản ánh quan điểm đối với các thể chế thị trường, chẳng hạn như một số chỉ số về quản trị được sử dụng trong các tài liệu kinh tế hoặc những chỉ số được Chính phủ thông qua để đánh giá hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp tỉnh, thành phố.

Một phương án khác là sử dụng các chỉ số phổ biến hơn (nguồn thu thuế, dữ liệu mở, đấu thầu,…). Đối với cơ sở hạ tầng hiện đại, dự thảo chiến lược có thể bao gồm một số chỉ tiêu về sử dụng năng lượng tái tạo (NLTT), sử dụng nước hiệu quả hoặc phát triển hệ thống giao thông hiện đại.

Thứ ba, hoàn thành các nhiệm vụ hoặc giải pháp cần thiết để đạt được những mục tiêu chiến lược bằng cách quản lý thông minh quá trình đô thị hóa và tạo nhiều việc làm năng suất cao trong lĩnh vực dịch vụ. 

Dự thảo Chiến lược nêu rõ là Việt Nam dự kiến sẽ chủ yếu là đô thị vào năm 2030, và kinh nghiệm quốc tế đã chứng minh cần quản lý tốt quá trình đô thị hóa để tạo ra các tác động tổng hợp đối với doanh nghiệp và người lao động thông qua hiệu quả kinh tế của quy mô và sức mạnh tổng hợp. Việc xây dựng các đô thị thông minh cũng sẽ tác động đến môi trường do nhu cầu tiêu thụ nhiều năng lượng và nước ở khu vực đô thị.

Hiện nay, nhiều người cho rằng hầu hết các thành phố của Việt Nam chưa hoạt động hiệu quả do tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm và phân bổ nguồn lực chưa đạt yêu cầu. Tất cả các quốc gia muốn phát triển kinh tế đều dự kiến chuyển dịch cơ cấu từ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp và sau đó là dịch vụ.

Do đó, giai đoạn tiếp theo của Việt Nam sẽ là phát triển thêm nhiều việc làm mới có năng suất cao trong lĩnh vực dịch vụ. Để làm được việc này, cần thực hiện một số cải cách như nâng cao khả năng cạnh tranh trong các lĩnh vực dịch vụ hiện đại thông qua việc hạn chế các rào cản gia nhập, hoàn thiện quy định pháp lý, và phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa khu vực tư nhân và nhà nước.

Thứ tư, xác định rõ các nhiệm vụ ưu tiên.

Mặc dù đã phản ánh mức độ ưu tiên tổng thể, 10 nhiệm vụ cơ bản trong Chiến lược đưa ra tuyên bố chung về mục tiêu cần đạt được mà không có hướng dẫn đầy đủ để xây dựng những hành động cần thực hiện. Mỗi nhiệm vụ chính bao gồm một danh sách toàn diện các lĩnh vực cải cách quan trọng, trong đó đôi khi chỉ mô tả ngắn gọn về các mục tiêu, thay vì các biện pháp cải cách.

Ví dụ, về đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), Chiến lược quy định “hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài sẽ chuyển trọng tâm từ số lượng sang chất lượng với giá trị gia tăng cao hơn, nâng cao hiệu quả và đổi mới công nghệ…”, còn đối với thể chế thị trường là “đảm bảo tất cả các quyền tự do và an toàn trong hoạt động kinh doanh…”.

Một số nhiệm vụ có thể đạt được nhờ những khuyến nghị/mục tiêu cải cách chính sách bổ sung. Chiến lược cần trình bày chi tiết hơn các giải pháp chính hoặc định hướng của những lĩnh vực cải cách. Một số đề xuất chi tiết sẽ được nêu trong các góp ý cụ thể dưới đây.

Thứ năm, nhấn mạnh tính cấp thiết phải thích ứng với môi trường và các cú sốc bên ngoài đang thay đổi (trong đó có dịch Covid-19). 

Chúng tôi thấy cần phân tích chi tiết hơn những điều chỉnh cần thiết trong bối cảnh mới, đặc biệt là trong việc xác định vị thế của Việt Nam trong “trạng thái bình thường mới” có khả năng xuất hiện trong thời kỳ hậu đại dịch.

Đại dịch chắc chắn đã làm tăng mức độ cấp thiết phải thực hiện nhanh hơn một loạt các nhiệm vụ hoặc giải pháp được xác định trong dự thảo Chiến lược, bao gồm cả việc khai thác xu hướng toàn cầu đang nổi lên trong việc xây dựng lại các chuỗi giá trị toàn cầu như một cơ hội để cạnh tranh và thu hút dòng vốn FDI có chất lượng hơn (công nghệ cao và thân thiện với môi trường).

Đại dịch cũng sẽ thúc đẩy sự xuất hiện của nền kinh tế không tiếp xúc và yêu cầu thúc đẩy quá trình số hóa nền kinh tế, thông qua việc phát triển hệ thống thanh toán điện tử và các dịch vụ kỹ thuật số trong giáo dục và y tế. Cần nhấn mạnh hơn nữa tính cấp bách này trong dự thảo Chiến lược.

Thứ sáu, nhấn mạnh hơn vào quá trình thực hiện.

Thành công sẽ phụ thuộc vào năng lực của Chính phủ trong việc thực hiện các cải cách và những dự án đầu tư quan trọng để nhanh chóng thực hiện được các nhiệm vụ đã nêu, thông qua đó đạt được các mục tiêu chiến lược vào năm 2020.

Trong những năm gần đây, hiệu quả thực hiện của Chính phủ không đồng đều – hiệu quả cao trong các lĩnh vực như hòa nhập, độ bao phủ của giáo dục tiểu học và chăm sóc y tế nhưng lại có kết quả tương đối chậm trong các lĩnh vực khác như quản lý đầu tư công, ô nhiễm không khí và khả năng chống chịu với thiên tai. Các bài học từ việc quản lý cuộc khủng hoảng COVID-19 theo cách phi truyền thống cần được nhấn mạnh hơn trong dự thảo Chiến lược.

Hai bài học chính là việc sử dụng thông tin minh bạch và kịp thời (bao gồm cả thông qua các nền tảng và công cụ kỹ thuật số) và điều phối chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan tại trung ương và theo chiều dọc giữa chính quyền trung ương và cấp tỉnh. Chúng tôi đề xuất Việt Nam nên cân nhắc áp dụng những bài học về thu thập và chia sẻ dữ liệu cũng như về điều phối cho các nhiệm vụ và giải pháp khác.

Dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030:

Xây dựng nền công nghiệp quốc gia vững mạnh. Phát triển công nghiệp kết hợp hài hoà cả chiều rộng và chiều sâu, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Phấn đấu nâng tỉ trọng công nghiệp trong GDP vào năm 2030 đạt trên 40%; giá trị gia tăng công nghiệp chế biến, chế tạo bình quân đầu người đạt trên 2.000 USD.

Tập trung cơ cấu lại công nghiệp theo hướng nâng cao trình độ công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, khai thác triệt để cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và lợi thế thương mại. Đẩy mạnh chuyển đổi số, phương thức sản xuất kinh doanh trong doanh nghiệp công nghiệp, tăng khả năng kết nối, tiếp cận thông tin, dữ liệu để tăng cơ hội kinh doanh mới và tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực.

Còn tiếp

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết TẦM NHÌN VIỆT NAM 2021 - 2030 (Kỳ II): Tìm kiếm mục tiêu chiến lược mới tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713558517 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713558517 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10