Tầm vóc, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao

Nguyễn Việt 15/05/2018 11:30

Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam được nâng lên một tầm cao mới. Cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao vai trò và trách nhiệm của Việt Nam trong hội nhập và thực hiện các cam kết quốc tế.

Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” . Ảnh Nguyễn Việt

Toàn cảnh Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020” . Ảnh Nguyễn Việt

Có thể bạn quan tâm

  • Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018

    Hai kịch bản tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018

    21:53, 08/05/2018

  • Kinh tế Việt Nam 2018: Đâu là yếu tố cạnh tranh của DN Việt?

    19:55, 22/04/2018

  • Tăng trưởng kinh tế Việt Nam duy trì tốc độ khả quan

    21:02, 22/03/2018

Đây là chia sẻ của ông Nguyễn Chí Dũng - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư tại Hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018 và đến năm 2020”, diễn ra sáng 15/5.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, thứ hạng của Việt Nam trên nhiều bảng xếp hạng của thế giới được cải thiện đáng kể, như: chỉ số môi trường kinh doanh tăng 9 bậc, chỉ số năng lực cạnh tranh tăng 5 bậc, chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 12 bậc, xếp hạng về triển vọng của Việt Nam nâng từ mức ổn định lên mức tích cực...

Thành tựu này có ý nghĩa thiết thực, khẳng định nước ta đã lớn mạnh, không còn là một nước nhỏ, kém phát triển, góp phần đưa đất nước tham gia vào những sân chơi mới của thế giới, vừa làm cho đất nước phát triển, vừa đóng góp vào thịnh vượng chung của thế giới và khu vực.

Niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp vào đường lối của Đảng, Nhà nước và tương lai phát triển của đất nước được củng cố, nhất là kết quả nổi bật của công cuộc phòng chống tham nhũng, kỷ luật, kỷ cương ngày càng được tăng cường. Thành tựu này đã đem lại không khí phấn khởi, lạc quan, hy vọng về một tương lai tốt đẹp của đất nước trước những chuyển biến mạnh mẽ của bối cảnh trong nước và quốc tế.

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, kết quả phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2018 rất khả quan, tiếp nối được đà phát triển của năm 2017. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,38%, là mức cao nhất của quý I trong 10 năm trở lại đây. Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng đầu năm duy trì ở mức thấp, tăng 2,8%.

Thị trường tiền tệ và hệ thống ngân hàng ổn định, thanh khoản toàn hệ thống được đảm bảo. Giải ngân vốn FDI ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng 6,3%. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 41,2 nghìn doanh nghiệp với số vốn đăng ký ước đạt khoảng 412 nghìn tỷ đồng. Tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 73,76 tỷ USD, tăng 19%; xuất siêu ước đạt khoảng 3,39 tỷ USD...

Đây là những tín hiệu đáng mừng, nhất là trong bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều yếu tố thuận lợi, tác động tích cực đến nền kinh tế. Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt, thương mại toàn cầu phát triển. Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng, dự báo sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của kinh tế thế giới.

Cùng với đó, nhiều chính sách cải cách, đổi mới trong nước tiếp tục phát huy hiệu quả, môi trường kinh doanh và cầu nội địa tiếp tục được cải thiện, tác động tích cực từ các hiệp định FTA, hiệp định CPTPP... Có nhiều lý do để chúng ta có thể hoàn toàn tin tưởng vào triển vọng phát triển của nền kinh tế Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018 và các năm tiếp theo.

“Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu và kỳ vọng, còn rất nhiều việc phải làm, cần có sự nỗ lực và tập trung rất lớn của các cấp, các ngành từ trung ương xuống địa phương, của tất cả các thành phần kinh tế, nhà nước, tư nhân, nước ngoài để giữ vững đà tăng trưởng”, ông Dũng nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tầm vóc, uy tín của Việt Nam ngày càng được nâng cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO