Bánh mì không chỉ là lương thực thiết yếu. Bánh mì Việt và Phở Việt được cả thế giới ngưỡng mộ và ghi vào từ điển Oxford là món ăn tiêu biểu quốc tế sánh với hamburger, hay sushi…
Nhớ lại thời sau năm 1975 ở Hà Nội và miền Bắc chưa phổ biến bánh mì, người Sài Gòn mang lò bánh mì đi lập nghiệp khắp các tỉnh thành. Bánh mì dần dần phổ biến từ thành phố đến tỉnh lỵ, với vùng xa hơn xuống các huyện xã thì bánh mì vẫn là một món quà quý. Ngay tại Sài Gòn ở cửa ngõ Xa Cảng miền Đông hay miền Tây, bánh mì là món quà phổ biến nhất mà ai cũng muốn mua về làm quà cho người ở quê.
Ở Hà Nội thời bao cấp theo tôi nhớ có vài cửa hàng bánh mì ở khu Bờ Hồ, Hàng Bông, Cửa Nam. Tiệm bánh Kinh Đô ở Cửa Nam và Hoà Mã có lẽ là xưa và nổi tiếng nhất Hà Nội. Tiệm bánh mì Hoà Mã ngày nào cũng ken kín thực khách. Bánh mì Hà Nội dần nổi tiếng như một “thương hiệu quốc dân” và cùng với món bò sốt vang - bánh mì đã phổ biến khắp phố phường Hà Nội, cũng như bánh mì bò kho của Sài Gòn và rất nhiều nhà hàng Việt ở Mỹ - nổi tiếng nhất là chuỗi tiệm Bánh mì Lee Sandwiches.
Có thể nói bánh mì là một loại lương thực, thực phẩm không chỉ thiết yếu phổ biến, mà nó còn rất tiện lợi so với cơm gạo… Từ mùa dịch năm ngoái, anh Phạm Thành Sự khởi lập thương hiệu Giò Cả Lá Quê và bánh mì đi kèm với giò chả, chả lụa. Ngay sau đó, bón ăn này đã trở nên phổ biến khắp Sài Gòn trong thời gian qua.
Các cơ quan quản lý ở địa phương cần nhìn lại sự thiết yếu của bánh mì, cùng với mì gói là mặt hàng rất cần thiết từ vùng thiên tai cho đến những người nghèo tại bệnh viện, công nhân ở nhà máy hay công trường xây dựng, từ khu cách ly đến từng hộ gia đình. Bánh mì không cần phải nấu mất thời gian như cơm gạo, thích hợp với cả người ăn kiêng và ăn chay mọi lứa tuổi.
Tại Úc, nhiều năm trước các lò bánh mì và cửa hàng nhỏ là do người gốc Ý, Hy Lạp, Nam Tư cũ làm chủ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây phần lớn do người Việt làm chủ bởi chỉ cần một số vốn nhỏ vẫn có thể làm chủ một lò bánh mì nhỏ tại Úc.
Nghề làm bánh mì baguette kiểu Pháp do người Việt Nam học hỏi và chế biến thành món ăn tiện lợi và mang tính đa văn hoá là một tiềm năng cho khởi nghiệp không chỉ tại các vùng miền hay phố thị trong nước, mà giờ đây theo dấu chân người Việt đã vươn xa đến mọi vùng miền trên thế giới.
Mô hình 3 món đặc biệt của Việt Nam gồm Phở - Bánh mì - Cà phê sẽ là một hình mẫu các chuỗi “fast food” thế hệ mới do người Việt làm chủ, chắc sẽ còn vươn xa chiếm lĩnh một thị phần nhất định ở thị trường thực phẩm và đồ uống khổng lồ trên phạm vi toàn cầu.
Có thể bạn quan tâm
11:00, 16/01/2021
06:36, 04/05/2020
11:00, 25/03/2020
14:00, 24/03/2020
04:03, 30/05/2019
04:28, 30/12/2019
06:28, 30/07/2019