Một trong những vẫn đề lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải là tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp.
Về vấn đề này, DĐDN xin giới thiệu bài viết của ông HIRONOBU KITAGAWA - Trưởng Đại diện văn phòng JETRO Hà Nội.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ
Một trong những vẫn đề lớn nhất mà doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam gặp phải theo khảo sát của chúng tôi chính là “tỷ lệ nội địa hóa nguồn nguyên liệu và linh phụ kiện của Việt Nam còn thấp”. Kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa nguyên liệu - linh phụ kiện trong ngành sản xuất chế tạo của Việt Nam là 33%, thấp hơn so với 67% của Trung Quốc, 57% của Thái Lan.
Chính vì vậy các doanh nghiệp sản xuất bị phụ thuộc rất nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu từ Trung Quốc, Thái Lan hay một số quốc gia lân cận. Đây được coi là vẫn đề tồn tại trong lĩnh vực sản xuất chế tạo, nhưng cũng là tiềm năng chưa khai thác hết của công nghiệp hỗ trợ Việt Nam.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ đòi hỏi phải xây dựng hệ thống đào tạo hỗ trợ cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực này. Một yếu tố nữa là hình thành phương thức nâng cao giá trị sản xuất cho công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Chúng tôi cho rằng, muốn cung cấp những chế phẩm chất lượng cao thỏa mãn yêu cầu của doanh nghiệp nước ngoài cần lắng nghe ý kiến từ chính các doanh nghiệp nước ngoài, qua đó xây dựng hệ thống cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng cho sản phẩm. Việt Nam cần làm rõ được lĩnh vực muốn tập trung chú trọng trong sản xuất chế tạo, chỉ khi đó Nhật Bản mới có thể hợp tác hỗ trợ một cách thuận tiện và hiệu quả hơn.
Đào tạo nguồn nhân lực cũng là lĩnh vực rất quan trọng, xây dựng hệ thống đào tạo, nâng cao kỹ năng tay nghề ngay từ các cấp bậc đào tạo như đại học là điều cần thiết. Tại Nhật Bản, các chương trình đào tạo cải thiện hiệu suất làm việc, nâng cao kỹ năng tay nghề được thực hiện ngay tại nơi làm việc hay các chương trình giáo dục giúp người trẻ có kỹ năng thực tế khi làm việc như hệ thống trường cao đẳng dạy nghề (Kosen) được chú trọng xây dựng. Triển khai những mô hình đào tạo nguồn nhân lực như thế này sẽ là lĩnh vực rất tiềm năng cho sự hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản.
JETRO tiếp tục hỗ trợ đầu tư vào Việt Nam
JETRO đã và đang không ngừng hỗ trợ cho đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam. Gần đây nhất, trong khuôn khổ chuyến thăm Nhật Bản của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào tháng 5 năm 2018, chúng tôi đã phối hợp với Bộ Kế hoạch Đầu tư Việt Nam tổ chức “Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam” tại Tokyo. Nhân dịp kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản và phát triển quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng, những nội dung thảo luận tại Hội nghị Xúc tiến đẩu tư Việt Nam lần này hướng tới mục tiêu nâng quan hệ hai nước lên một tầm cao mới trên nhiều lĩnh vực. Tại hội nghị này, lãnh đạo hai nước đã chứng kiến nhiều văn bản thỏa thuận hợp tác được ký kết; với 3 Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, 13 biên bản ghi nhớ hợp tác, cùng 1 giấy phép mở đường bay sang Nhật Bản là minh chứng cho phép chúng ta tin tưởng vào sự thúc đẩy đầu tư và hợp tác kinh tế giữa hai nước trong tương lai.
Văn phòng JETRO Hà Nội cũng không ngừng hỗ trợ tư vấn cho các doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu tìm hiểu đầu tư vào Việt Nam. Nhằm mục đích hỗ trợ cho những doanh nghiệp có ý định đầu tư mới có điều kiện thuận lợi hơn khi bước đầu triển khai kế hoạch kinh doanh tại Việt Nam, JETRO Hà Nội đã cung cấp dịch vụ Văn phòng ngắn hạn cho các doanh nghiệp với tên gọi “JETRO Business Support Center Hanoi”. Ngoài ra, để phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, chúng tôi cũng tổ chức biên soạn các cuốn tài liệu “Doanh nghiệp Việt Nam tiêu biểu trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ” bằng tiếng Nhật để cung cấp cho doanh nghiệp Nhật Bản, hay tổ chức thường niên Triển lãm công nghiệp hỗ trợ Nhật Bản” tại Việt Nam nhằm kết nối doanh nghiệp Nhật Bản với doanh nghiệp Việt Nam.
Để bắt kịp xu hướng hiện nay và đáp ứng nhu cẩu của doanh nghiệp Nhật Bản, chúng tôi cũng đề xuất những cơ hội kinh doanh mới tại Việt Nam cho các doanh nghiệp. Tháng 12 năm 2017, JETRO đã triển khai chương trình “Cách mạng công nghiệp 36” mà trọng tâm là hình thành chuỗi sản xuất giá trị dựa trên hợp tác Nhật - Việt trong lĩnh vực nông lâm thủy sản với mong muốn tạo ra cơ hội kinh doanh mới, áp dụng đưa công nghệ thông tin hay sự hợp tác của các ngành nghề khác vào lĩnh vực nông nghiệp, qua đó tạo ra chuỗi sản xuất giá trị kết hợp Việt - Nhật. Chúng tôi còn tổ chức các đoàn thăm quan, khảo sát cho doanh nghiệp Nhật Bản trong lĩnh vực nông nghiệp sang Việt Nam tìm hiểu cơ hội hợp tác, kinh doanh.
Ngoài ra, JETRO còn biên soạn các cuốn tài liệu tham khảo về đời sống xã hội Việt Nam để các doanh nghiệp Nhật trong lĩnh vực tiêu dùng có thêm thông tin.
Trong lĩnh vực nguồn nhân lực, JETRO tăng cường hợp tác với Đại học Ngoại thương trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong phát triển thương mại song phương Việt Nam - Nhật Bản. Sắp tới đây, chúng tôi tiến hành tổ chức “Bài giảng JETRO” tại Đại học Ngoại thương như là một môn học thực tế với sự tham gia giảng dạy là lãnh đạo các doanh nghiệp Nhật Bản hàng đầu đang hoạt động tại Việt Nam để đem đến cho sinh viên cái nhìn tổng quan vễ hoạt động, các vấn đề cũng như yêu cầu mà doanh nghiệp Nhật Bản mong muốn khi kinh doanh tại Việt Nam.
Chúng tôi mong rằng trong các hoạt động đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam thì lĩnh vực đào tạo hay đề xuất những hướng đi mới trong kinh doanh cũng sẽ đóng góp phần không nhỏ vào sự tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Trên tinh thần đó, cùng với việc tăng cường các hoạt động đầu tư từ Nhật Bản, JETRO mong muốn tiếp tục được đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam.