Nếu được phổ cập kỹ thuật số, đối tượng nữ giới chiếm phần đông chủ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) sẽ có tiềm năng thúc đẩy kinh tế đất nước.
>>Ba xu hướng định hình "hành trình kỹ thuật số" ngành hàng tiêu dùng
Nhận định dựa trên bản đề xuất chính sách được xây dựng bởi nhóm nghiên cứu viên gồm giảng viên cấp cao Tiến sĩ Abdul Rohman và giảng viên Võ Thị Diễm Trang từ Khoa Truyền thông và Thiết kế, RMIT Việt Nam. Bản đề xuất trích từ kết quả nghiên cứu và phỏng vấn chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp ở 28 tỉnh thành trên khắp Việt Nam.
Tiến sĩ Rohman cho biết công nghệ số phải mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, kể cả những người không đủ điều kiện tiếp cận và phát huy tối đa tiềm năng của công nghệ.
“Trong khi các nền tảng số hứa hẹn nâng cao mặt bằng kỹ thuật-xã hội và kinh tế, chủ doanh nghiệp nữ vẫn phải đối mặt với thách thức cố hữu khiến quyền công dân thật sự của họ bị chôn vùi”, ông nói.
Việt Nam đặt mục tiêu thúc đẩy kinh tế số lên 52 triệu đô la Mỹ vào năm 2025 bằng cách chuyển đổi các ngành công nghiệp hộ gia đình và doanh nghiệp MSME. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê Việt Nam, nữ giới chiếm hơn 44% lực lượng lao động thành thị và 47% lực lượng lao động nông thôn trong các ngành này. Mặc dù các công nghệ kỹ thuật số được cho là có thể thu hẹp khoảng cách kinh tế, chúng vẫn chưa hoàn toàn mang lại lợi ích cho phụ nữ có thu nhập thấp khi họ tham gia vào nền kinh tế số.
Kỹ năng kỹ thuật số cơ bản thấp
Thương mại điện tử đang phát triển thần tốc ở Việt Nam và một nửa dân số đã và đang dùng các kênh dịch vụ thương mại điện tử cho các mặt hàng khác nhau. Việc sử dụng kỹ thuật số trong kinh doanh đem đến cơ hội vượt qua những thách thức kinh tế nhưng chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp vẫn khó bắt kịp nhu cầu số do kỹ năng kỹ thuật số cơ bản vẫn còn thấp.
Nguồn lực tài chính hạn chế cản trở khả năng học hỏi và tiếp cập các công nghệ số của nhóm này. Họ thường ít có thời gian để học do bận rộn kiếm sống. Báo cáo của Tổng cục Thống kê năm 2022 cho biết 30,7% phụ nữ Việt Nam thuộc khu vực phi chính phủ, kể cả chủ các doanh nghiệp MSME, làm việc 48 giờ mỗi tuần (cao hơn 5,9% so với lao động chính thức). Kỹ năng kỹ thuật số cơ bản thấp khiến các chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp khó theo kịp nhu cầu số vì họ không biết sử dụng các nền tảng thương mại điện tử, tiếp thị truyền thông mạng xã hội, thanh toán kỹ thuật số hoặc dịch vụ khách hàng kỹ thuật số một cách an toàn và hiệu quả.
Linh Phương, chủ một cửa hàng trực tuyến, đẩy mạnh việc dùng các nền tảng truyền thông mạng xã hội khác nhau để thu hút khách hàng, cho phép họ đặt sản phẩm, sắp xếp thời gian giao hàng và nhận thông tin cập nhật về tình trạng sản phẩm. Tuy nhiên, Phương cho biết cô phải nhờ con cái thiết lập hồ sơ mạng xã hội và xử lý vấn đề phức tạp của các giao dịch kỹ thuật số.
Giảng viên RMIT Võ Thị Diễm Trang nói: “Một trong số những người trả lời phỏng vấn chia sẻ rằng họ có khởi đầu khá khó khăn khi học cách sử dụng điện thoại thông minh để bán nhiều hàng hơn. Và hầu hết các chủ doanh nghiệp nữ quanh cô ấy đều e dè công nghệ mới, chẳng hạn như các ứng dụng đặt đồ ăn vì chúng khó sử dụng với phụ nữ trung niên và lớn tuổi. Họ phải phụ thuộc vào người thân trong gia đình để được hướng dẫn từng bước sử dụng. Do đó, trong thời gian đầu doanh thu hoặc lợi nhuận của họ cải thiện rất ít hoặc bằng không”.
>>“Đòn bẩy” từ Con đường tơ lụa kỹ thuật số
Dễ bị lừa trên nền tảng trực tuyến
Sự trỗi dậy của nền kinh tế số còn khiến chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp vấp phải những mối nguy mới. Thông tin từ một hội thảo gần đây cho biết gần 90% nạn nhân của lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam là nữ. Trong khi cố gắng theo kịp các xu hướng số để phát triển doanh nghiệp, phụ nữ dễ trở thành đối tượng của thông tin sai lệch, lừa đảo trực tuyến, đánh cắp danh tính và lừa đảo tài chính.
Bên cạnh năng lực hạn chế trong việc tự bảo vệ bản thân khỏi các mối nguy trực tuyến, nhu cầu cấp bách trong việc chạy theo các xu hướng số khiến nhóm này bỏ qua việc phải tiếp cận không gian số an toàn. Khảo sát của RMIT cho thấy 62% chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp gặp khó khăn trong việc xác nhận thông tin trực tuyến. Phần lớn trong số họ cũng chưa quen với các thiết bị, công cụ và các bước bảo vệ dữ liệu cá nhân trên không gian số, chẳng hạn như trình duyệt ẩn danh, xóa lịch sử duyệt web, VPN, chặn các trang web khác thu thập dữ liệu, hoặc phần mềm phát hiện vi-rút.
Việc thiếu cơ hội tiếp cận với giáo dục cũng đặt ra những rào cản đáng kể khác trong việc tiếp thu thông tin liên quan đến quyền riêng tư và an toàn dữ liệu, khiến nhóm này dễ bị tổn thương hơn trước tội phạm trực tuyến so với các nhóm dân số khác.
Do hoạt động kinh doanh, chủ doanh nghiệp nữ thường đưa số điện thoại cá nhân lên các trang truyền thông mạng xã hội, mở lối cho các đối tượng lừa đảo khai thác thông tin cá nhân của họ, và một người trả lời phỏng vấn khác chia sẻ rằng “điều này khiến tôi vô cùng lo lắng”.
Cô Võ Thị Diễm Trang cho biết: “Bằng cách trao quyền và hướng dẫn kỹ năng số, kiến thức và mạng lưới hỗ trợ cho chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp, chúng ta có thể khai mở tiềm năng kinh doanh của họ, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo cơ hội tự chủ kinh tế hơn”.
Nhóm nghiên cứu cho biết để khai thác triệt để tiềm năng của các công nghệ số và giảm bớt nguy cơ từ chúng, cần có nỗ lực phối hợp từ chính phủ, các nhà hoạch định chính sách, hội phụ nữ và các bên liên quan.
Nhóm đã tổ chức một chuỗi các buổi tập huấn cho nhóm chủ doanh nghiệp nữ có thu nhập thấp ở TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội. Nhóm này sau đó đã tập huấn lại cho hơn 230 phụ nữ trên khắp cả nước.
“Trong khi việc nâng cao hiểu biết số là điều hết sức quan trọng, giảm thiểu rủi ro do các công nghệ số mang tới là thách thức mới đòi hỏi phải có động thái đối phó tức thời”, Tiến sĩ Rohman kết lời.
Có thể bạn quan tâm
03:00, 08/03/2024
04:00, 04/01/2024
00:00, 13/11/2023
03:00, 06/09/2023
20:00, 05/09/2023