Chúng ta cần “gấp rút” xây dựng chương trình quốc gia về tăng cường năng lực nội sinh để nâng cấp chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế.
>>Chuyển đổi xanh và tăng trưởng trung hạn: Bài 1 - Động lực truyền thống
Đây là quan điểm của TS Vũ Tiến Lộc, Đại biểu Quốc hội (Hà Nội), Chủ tịch Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ với DĐDN về chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 vừa diễn ra.
- Có một chỉ báo cho thấy “sức khỏe” DNNVV đáng báo động và rất cần tăng cường năng lực nội sinh. Đó là, số doanh nghiệp ra khỏi hoặc tạm thời ra khỏi thị trường tăng đến 15,6% so với 8 tháng đầu năm 2022 lên tới 124.700 doanh nghiệp. Ông bình luận về vấn đề này như thế nào?
Khu vực tư nhân ở Việt Nam đang bị suy yếu. Mặc dù, trong những năm qua chúng ta đã có những nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân về mặt số lượng. Tuy nhiên, lại chưa có các chương trình mang tầm quốc gia và sự “yểm trợ” cần thiết để nâng cao chất lượng cho khu vực này.
Đứng trước khó khăn của nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đang gặp rất nhiều khó khăn. Do đó, chúng ta cần “gấp rút” xây dựng chương trình quốc gia về tăng cường năng lực nội sinh để nâng cấp chất lượng cho các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế.
Chương trình này cũng phải bao trùm tới cả các hộ kinh doanh để hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ quản trị, hỗ trợ tìm kiếm thị trường, đào tạo nguồn nhân lực, tiếp cận nguồn lực cũng như các chuỗi cung ứng. Chỉ bằng cách nâng cấp cho các doanh nghiệp, đặc biệt là khu vực DNNVV thì mới có thể kết nối được với các chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị quốc tế.
Thực tế, chúng ta đã cố gắng tạo ra một lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân đông đảo. Nếu tính cả hộ kinh doanh thì Việt Nam đã có gần 6 triệu chủ thể kinh tế trong nền kinh tế. Nhưng chất lượng khu vực này vẫn còn thấp.
Trong điều kiện bình thường, khu vực doanh nghiệp này cũng không đủ sức tham gia vào quá trình hiện đại hoá để đưa Việt Nam trở thành nước phát triển. Trong bối cảnh khó khăn của kinh tế thế giới thì sức cạnh tranh lại càng bị suy giảm.
Do đó, việc nâng cao năng lực nội sinh của nền kinh tế cũng chính là nâng cao năng lực của khu vực doanh nghiệp. Bên cạnh các doanh nghiệp lớn, chúng ta cũng cần phải chú ý đến DNNVV. Vì đây là khu vực đóng góp nhiều nhất cho GDP, tạo ra công ăn việc làm nhiều nhất, có ảnh hưởng đến xã hội lớn nhất.
- Có một khu vực kinh tế khác cũng cần được tăng cường năng lực nội sinh. Đó là, kinh tế hộ gia đình vì khu vực này rất dễ bị tác động và tổn thương, thưa ông?
Khu vực kinh tế hộ gia đình giữ một vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, vì khu vực này chiếm tới 30% GDP nền kinh tế.
Ở các nước khu vực hộ kinh doanh cũng được xếp vào các chủ thể kinh doanh và là các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Do đó, họ có chính sách bao phủ để hỗ trợ cho khu vực này.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững."
>>Chuyển đổi xanh và tăng trưởng trung hạn: Bài 2 - Đầu tư năng lượng tái tạo
Vì đây là khu vực tạo ra nhiều công ăn việc làm nhất cho nền kinh tế. Mặc dù dễ bị tổn thương nhưng đây là khu vực có khả năng linh hoạt bảo đảm cho nền kinh tế ổn định trong những bối cảnh khó khăn.
Do đó, tôi đề nghị chính sách của chúng ta không được bỏ qua hộ gia đình, cần coi hộ kinh doanh, hộ gia đình là đối tượng trọng tâm của các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp. Bởi, thực chất đây chính là những doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ trong nền kinh tế thị trường.
Việc cải thiện năng suất khu vực kinh tế hộ gia đình có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Như vậy, chúng ta cần có một chương trình nâng cấp doanh nghiệp nói chung. Đặc biệt, hộ kinh doanh gia đình thì rất cần nhận được sự “yểm trợ” từ nhà nước và xã hội để phát triển, tạo công ăn việc làm, đóng góp vào GDP, và sau đó lớn lên thành những doanh nghiệp vừa và lớn.
- Ông có đề xuất, kiến nghị gì để nâng cao năng lực nội sinh cho các khu vực kinh tế này?
Thứ nhất, cần sớm hoàn thiện thể chế, vì thể chế đóng vai trò rất quan trọng cho bước phát triển mới của doanh nghiệp Việt Nam. Thời gian vừa qua, chúng ta đã nói nhiều đến việc chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật, nói nhiều đến sự thiếu minh bạch trong thể chế kinh doanh, nói nhiều đến điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh…
Thứ hai, sau thời gian nỗ lực cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, nhưng trong bối cảnh chúng ta cần thúc đẩy kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh doanh mới thì cần phải có thêm sự thử nghiệm đột phá về thể chế để thích ứng với môi trường đổi mới sáng tạo.
Tuy nhiên, chúng ta rất chậm trễ trong việc hoàn thiện hệ thống pháp luật theo hướng này. Do đó, việc hoàn thiện hệ thống pháp luật cho kinh tế số, kinh tế xanh và các mô hình kinh doanh mới có ý nghĩa hết sức quan trọng.
Thứ ba, cần có chương trình quốc gia đối với năng suất lao động, phát triển doanh nghiệp, đặc biệt với các DNNVV.
Thứ tư, đối với quá trình hoàn thiện pháp luật, Quốc hội đang bàn thảo những luật liên quan đến hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp. Tôi mong muốn Quốc hội, Chính phủ nỗ lực hơn nữa trong thời gian tới để tiếp tục cải cách thể chế, để tạo ra bước đột phá theo yêu cầu của Nghị quyết trung ương, Nghị quyết Đại hội Đảng về tăng trưởng và phát triển nền kinh tế.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
11:00, 25/09/2023
12:03, 28/09/2023
05:30, 25/09/2023
01:00, 25/09/2023