Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch

Phan Nam 14/03/2019 10:08

Nhiều khả năng cuối tháng 3/2019, giá điện được điều chỉnh tăng 8,36% so với giá bán điện bình quân hiện hành.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân sâu xa phải tăng giá điện nằm ở những bất cập trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh với xu hướng phát triển nhiệt điện than sẽ tiếp tục tăng.

Báo cáo từ Bộ Công Thương, đến năm 2020, tổng công suất nhiệt điện than khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% tổng lượng điện sản xuất với mức tiêu thụ khoảng 63 triệu tấn than; năm 2030, tổng công suất khoảng 55.300 MW, chiếm 53,2% điện sản xuất, tiêu thụ khoảng 129 triệu tấn than.

p/Việt Nam cần giảm dần sự phụ thuộc vào các hệ thống nhiệt điện than

Việt Nam cần giảm dần sự phụ thuộc vào các hệ thống nhiệt điện than

Nhiều lý do đã được đưa ra cho quy hoạch này, trong đó có nguồn than là tài nguyên có sẵn. Nhưng thực tế, nguồn than nội địa cho phát triển cung cấp từ Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc sẽ không đủ cho các nhà máy nhiệt điện theo Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia.
Từ năm 2016, Việt Nam đã bắt đầu nhập khẩu than cho dự án Nhiệt điện Duyên Hải 3; năm 2017, nhập khẩu 4,5 triệu tấn; năm 2020, lượng than cần nhập khoảng 24 triệu tấn. Tỷ trọng khối lượng than nhập khẩu trong khối lượng than cần cho phát điện ngày càng tăng lên. Việc phụ thuộc nhiều vào than nhập khẩu sẽ ảnh hưởng lớn tới kế hoạch sản xuất điện và giá thành.

Theo Quy hoạch VII điều chỉnh, trong cơ cấu nguồn có đầy đủ các thành phần: thủy điện (cả tích năng), nhiệt điện than, nhiệt điện khí, năng lượng tái tạo (gió, mặt trời, sinh khối), điện hạt nhân và nhập khẩu. Tuy nhiên, tháng 11 năm 2016 Quốc hội thông qua chủ trương dừng thực hiện Dự án điện hạt nhân tại Ninh Thuận (4.600 MW). Một số dự án nguồn điện dừng triển khai thực hiện: Nhiệt điện Bạc Liêu (1.200 MW), Nhiệt điện Cẩm Phả 3 (440 MW). Nhiều dự án nguồn điện chậm tiến độ so với quy hoạch, hoặc chưa có chủ đầu tư nên dẫn đến nguy cơ Việt Nam sẽ thiếu điện sau những năm 2020 trở đi.

Cũng theo Quy hoạch này, đến năm 2030, năng lượng gió chỉ đạt 6.000 MW chiếm tỷ trọng 2,1% sản lượng điện sản xuất và năng lượng mặt trời đạt 12.000 MW chiếm tỷ trọng 3,3% sản lượng điện sản xuất. Vì vậy, Việt Nam sẽ không tránh khỏi việc phụ thuộc vào nguồn năng lượng than và khí nhập khẩu phục vụ cho sản xuất điện.

Về giải pháp căn cơ lâu dài, hiện tại, Chính phủ đã giao cho Bộ Công Thương xây dựng Quy hoạch điện VIII. Đây cũng là cơ hội đẩy nhanh xây dựng và triển khai quy hoạch mới để điều chỉnh cơ cấu nguồn phát điện phù hợp: thủy điện, nhiệt điện (than, dầu, khí), điện sinh khối (biomass), điện gió, điện mặt trời, điện hạt nhân và nhập khẩu. Hạn chế sự phụ thuộc quá lớn và nhiệt điện than.

Cùng với đó, để gia tăng tính cạnh tranh, tăng cường đầu tư vào lĩnh vực này cần chiến lược tổng thể của Chính phủ thu hút sự tham gia đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân ở lĩnh vực điện, năng lượng ngay trong quá trình xây dựng Tổng sơ đồ điện VIII... 

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng giá điện: Hệ luỵ từ quy hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO