Chính trị - Xã hội

Tăng khả năng chống chịu thiên tai với chiến lược tài chính hiệu quả

Hạnh Lê 14/11/2024 21:12

Chiến lược tài chính và bảo hiểm hiệu quả là công cụ quan trọng giúp giảm thiểu tác động của thiên tai, hỗ trợ nhanh chóng cho phục hồi và tái thiết.

Ông Patrick Ha-verman - Phó Trưởng đại diện Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đã nhấn mạnh như vậy khi đề cập đến vai trò của các chiến lược tài chính và bảo hiểm hiệu quả trong việc giảm thiểu tác động của thiên tai.

Mr Patrick
Ông Patrick Ha-verman - Phó Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam

Vấn đề quan trọng này đã được Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) phối hợp với UNDP bàn thảo nhằm tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế trong phát triển chiến lược tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai. Trên cơ sở đó, khuyến nghị xây dựng bảo hiểm và tài chính rủi ro thiên tai giúp Việt Nam tăng cường khả năng chống chịu trước thiên tai và biến đổi khí hậu trong tương lai.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai với tổn thất GDP hàng năm lên tới 1 - 1,5%. Phạm vi ảnh hưởng của thiên tai diễn ra trên cả nước, tác động đến nhiều vùng khác nhau trên cả nước. Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam có thể phải đối mặt với tổn thất kinh tế lên đến 67 tỷ USD trong vòng 50 năm tới nếu không có chiến lược phòng ngừa và bảo hiểm hiệu quả.

Trong bối cảnh trên, bà Lê Thị Thùy Vân - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho rằng: Việc tiếp cận một cách tổng thể, toàn diện các nguồn lực tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai là cần thiết. Tăng cường khả năng ứng phó và phục hồi trước thiên tai còn là nền tảng để phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng nghiêm trọng.

Chia sẻ thêm thông tin từ các nước như Nhật Bản, Philippines, Colombia, chuyên gia Phạm Phan Dũng cho biết: các quốc gia trên đều xây dựng các khung pháp lý chặt chẽ tài chính và bảo hiểm rủi ro thiên tai; đa dạng công cụ nguồn lực; xây dựng hệ thống thông tin và phân tích dữ liệu thiên tai, hỗ trợ đánh giá rủi ro; các công cụ chuyển giao rủi ro hiện có...

thuy san
Thuỷ sản là một trong những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thiên tai, bão lũ...

Cụ thể, tại Nhật Bản, hệ thống bảo hiểm động đất và các quy định pháp lý đã giúp xây dựng một hệ thống ứng phó bền vững. Philippines triển khai bảo hiểm tham số cho tài sản công, trong khi Colombia hợp tác với Ngân hàng Thế giới xây dựng hệ thống quản lý tài chính thiên tai để giảm thiểu gánh nặng ngân sách.

Trong khi đó, tại Việt Nam, các quy định pháp lý chưa đồng đều, tập trung vào ngân sách phục hồi sau thiên tai; nguồn lực phụ thuộc nhiều vào ngân sách; chưa có hệ thống tài chính phòng ngừa thiên tai đồng bộ, bảo hiểm thiên tai chưa phổ biến. Cơ sở dữ liệu rủi ro thiên tai đang phát triển, tích hợp với hệ thống dữ liệu quốc gia.

Đưa ra kiến nghị quan trọng cho Việt Nam, các chuyên gia nhấn mạnh đến việc cần hoàn thiện khung pháp lý chặt chẽ, nâng cao năng lực dự báo, tăng cường các sáng kiến tài chính bao gồm bảo hiểm rủi ro thiên tai, các công cụ chuyển giao rủi ro, các công cụ ứng phó trước - sau thiên tai, các loại hình sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên ta… Đồng thời, cần tháo gỡ các điểm nghẽn để bảo hiểm rủi ro thiên tai, đặc biệt là bảo hiểm rủi ro thiên tai cho tài sản công có thể triển khai thực sự có hiệu quả.

Từ quan điểm, bảo hiểm rủi ro thiên tai đã được công nhận là công cụ quan trọng phục vụ cho hoạt động quản lý rủi ro khí hậu, bà Nguyễn Thị Hải Đường - khoa Bảo hiểm, trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Việt Nam có thể áp dụng các mô hình bảo hiểm chỉ số và bảo hiểm theo lớp rủi ro để hỗ trợ tài chính nhanh chóng và hiệu quả hơn; xây dựng mô hình rủi ro với rủi ro thiên tai; khuyến khích phát triển các sản phẩm bảo hiểm rủi ro thiên tai… Trong đó, hợp tác công-tư và sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy bảo hiểm thiên tai tại Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng khả năng chống chịu thiên tai với chiến lược tài chính hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO