“Tăng lực” cho sâm Ngọc Linh

TUẤN VỸ 04/08/2022 17:01

Với ưu thế sở hữu giống sâm Ngọc Linh quý có giá trị kinh tế cao, nhiều ý kiến cho rằng tỉnh Quảng Nam cần mở cửa cơ chế mời gọi

doanh nghiệp đến đầu tư chế biến, sản xuất nhằm công nghiệp hóa đặc sản sâm Ngọc Linh.

 Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Namp/kiểm tra các sản phẩm sản xuất từ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam kiểm tra các sản phẩm sản xuất từ sâm Ngọc Linh tại huyện Nam Trà My.

Huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) có tổng diện tích quy hoạch trồng sâm Ngọc Linh trên 15.000 ha, trong đó đã thực hiện bảo tồn được 100 ha, tương đương với 2 triệu cây và phát triển vùng nguyên liệu sâm trên 1.500ha với hơn 1.250 hộ tham gia.

Doanh nghiệp cần hạ tầng

Hiện nay đã có trên 20 doanh nghiệp được UBND tỉnh Quảng Nam cho phép thuê dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh với tổng diện tích đăng ký và đã trồng trên 1.000 ha. Ngoài ra, trên địa bàn huyện Nam Trà My còn có những cá nhân, tập thể vay vốn ngân hàng để đầu tư trồng sâm để cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến, sản xuất.

Già làng Hồ Văn Viên, xã Trà Linh (huyện Nam Trà My) cho hay nhờ cây sâm Ngọc Linh mà đời sống người dân địa phương có nhiều thay đổi tích cực. Bà con dựa vào cây sâm để xóa đói giảm nghèo, có thêm kinh tế để ổn định kinh tế, góp phần phát triển chung cho địa phương.

Là đơn vị tiên phong đầu tư chế biến, sản xuất sâm Ngọc Linh tại Nam Trà My, ông Hoàng Đông Anh, Tổng Giám đốc Công ty CP Nông sản và Dược liệu Trà My thông tin đơn vị đã chi hơn 90 tỷ đồng cho việc đầu tư cơ sở bên cạnh 40 tỷ đồng dùng cho việc trồng sâm. Việc nâng cấp công nghệ chế biến, sản xuất từ tinh chất của cây sâm sẽ cho ra đời các sản phẩm chức năng dễ dàng tiếp cận được người tiêu dùng hơn so với việc mua bán cây sâm nhưng giá cao (220 triệu/kg).

“Hiện nay, vẫn còn một số khó khăn khiến doanh nghiệp ngại đầu tư cơ sở sản xuất sâm, như hạ tầng giao thông, viễn thông chưa đồng bộ, cùng với đó nguồn nhân lực chế biến sâm tại địa phương vẫn chưa thể đáp ứng. Ngoài ra, vẫn chưa có quy trình cụ thể, tiêu chí riêng đối với cây sâm. Cùng với đó là việc triển khai các chính sách hỗ trợ của địa phương qua các Sở, ngành lại không đồng bộ”, ông Hoàng Đông Anh cho biết.

Theo ông Hoàng Đông Anh, địa phương cũng cần cởi mở hơn về việc có tác động của con người trong việc phát triển sâm nhưng không ảnh hưởng đến rừng như sử dụng tán che, mở đường vào các rừng sâm,... Ngoài ra, địa phương cũng cần tập trung thu hút doanh nhiệp bằng hạ tầng, cơ chế cởi mở hơn.

 Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều khách hàng.

Các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh thu hút sự chú ý đặc biệt của nhiều khách hàng.

Địa phương mở cơ chế

Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay người dân nằm trong vùng quy hoạch sâm Ngọc Linh được ưu tiên nhận khoán quản lý bảo vệ rừng phòng hộ, đặc dụng kết hợp với trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng. Bên cạnh thu nhập từ cây sâm Ngọc Linh thì người dân còn được nhận tiền khoán quản lý bảo vệ rừng góp phần tăng thu nhập. Điều này sẽ góp phần khuyến khích người dân tham gia trông sâm Ngọc Linh.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, công tác phát triển cây sâm Ngọc Linh ở địa phương vẫn còn một số khó khăn, như chưa có quy hoạch chi tiết vùng trồng cụ thể, phân định khu vực của người dân và doanh nghiệp trồng sâm Ngọc Linh.

Các hạng mục phục vụ công tác quy hoạch và phát triển sâm Ngọc Linh, như hạ tầng, giao thông, điện nước, trồng rừng... nằm tại khu vực địa hình xa xôi, nhu cầu kinh phí đầu tư khá lớn nhưng nguồn ngân sách hằng năm bố trí còn hạn chế.

“Thời gian tới, địa phương sẽ tăng cường xúc tiến, hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp trong việc liên kết sản xuất, quảng bá hình ảnh cây sâm Ngọc Linh để thu hút đầu tư, tạo điều kiện cho người dân an tâm sản xuất. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư theo hướng hỗ trợ người dân thành lập các HTX dược liệu để vận dụng cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển cây sâm Ngọc Linh gắn với tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, chế biến sản phẩm từ sâm Ngọc Linh như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, dược phẩm,...”, ông Hồ Quang Bửu cho hay.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tham mưu đề xuất Chính phủ ban hành Chương trình Quốc gia phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2021-2030 và định hướng đến năm 2045. Tỉnh Quảng Nam kiến nghị các Bộ, ngành khảo sát, đầu tư hạ tầng vùng sâm tại Quảng Nam, qua đó nâng cấp tuyến đường huyết mạch từ Quốc lộ 1 lên huyện Nam Trà My đó là quốc lộ 40B và nâng cấp 02 tuyến đường vào vùng sâm quốc gia lên thành loại V Miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Tăng lực” cho sâm Ngọc Linh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO