Theo kế hoạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét và chốt việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tại phiên họp diễn ra trong tháng 7 này.
Trên góc độ BVMT ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) khẳng định, xăng dầu cũng như túi nilon, chất HCFC (nhóm chất gây suy giảm tầng ô dôn dùng làm môi chất lạnh) là những mặt hàng khi sử dụng gây tác động rất xấu đến môi trường. Không chỉ nước ta mà các nước trên thế giới đều quy định riêng sắc thuế với xăng dầu và các mặt hàng này để khuyến khích người dân sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường.
Tuy nhiên, bàn về việc tăng sắc thuế này, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, trong việc tái cấu trúc và cải cách lại hệ thống thuế, chúng ta đã giảm rất nhiều loại thuế khác nhau. Cũng có một số loại thuế được đề nghị tăng cho phù hợp với cái chung của cộng đồng quốc tế cũng như khả năng thu của Việt Nam. “Do đó, việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng lên 4.000 đồng là một đòi hỏi bắt buộc và trong một tương lai gần, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải tính toán để tăng thêm thuế bảo vệ môi trường lên mức cao hơn”, ông Thịnh cho biết.
Có thể bạn quan tâm
05:14, 11/07/2018
14:01, 19/05/2018
07:33, 09/02/2017
12:04, 25/03/2016
Nhưng chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh thừa nhận, ngay từ đầu năm 2018 các loại thuế xuất cũng như các chi phí tiếp cận của các doanh nghiệp đã giảm rất nhiều, đây sẽ là cơ sở để bù lại cho việc tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu. Chúng ta phải nhìn tổng thể, không nên tách riêng việc tăng thuế môi trường với xăng dầu hay tăng thuế VAT. Có một cách nhìn chưa toàn cảnh là tách riêng, ví dụ khi tăng VAT thì chỉ nhìn thấy là tăng VAT, còn chưa nhìn thấy khi tăng, giảm các loại phí khác thì tác động thế nào. Theo ông Thịnh, ở đây chúng ta nên nhìn dưới góc độ bù trừ.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, vô hình chung khi đánh thuế môi trường cao sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi khả năng cạnh tranh của họ còn rất yếu. Bản thân ông Long cũng không đồng tình với việc tăng thuế phí để tháo gỡ khó khăn cho ngân sách. Theo ông Long, thuế là một công cụ rất quan trọng, đó là kích thích hoặc hạn chế sản xuất. Nếu dùng thuế để tăng nguồn thu thì đây là một quan điểm đi trái với sự phát triển của ngành thuế.
“Hiện chủ yếu thuế BVMT đánh vào xăng dầu, chiếm 93% nguồn thu về thuế BVMT. Như vậy, chưa hợp lý, vừa không đảm bảo nguồn thu cho ngân sách, lại tạo nên gánh nặng về thuế BVMT đối với xăng dầu. Điều này sẽ gây nhiều hệ lụy”, ông Long nhấn mạnh.
Theo quy định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, và thông thường sẽ có hiệu lực sau 45 ngày ký. Tuy nhiên, thời điểm áp dụng tăng thuế hiện nay đang được cơ quan chức năng cân nhắc có thể là từ ngày 1/8 theo cơ chế đặc biệt hoặc từ ngày 1/10.