Việc xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại thời điểm hiện nay là hết sức cấp thiết, nhằm tập trung hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp xu thế phục hồi.
Đây là nội dung được các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm trong phiên thảo luận về kinh tế năm 2022 và Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 của Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khóa XV.
Cho rằng, kỳ vọng kinh tế tăng trưởng 3-3,5% trong năm nay khó có thể đạt được, đại biểu Lê Thanh Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau, cho rằng cần đánh giá cẩn trọng các mục tiêu trong kế hoạch 5 năm. Đại biểu đề xuất một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Trước tiên là sắp xếp trật tự ưu tiên theo hướng ưu tiên và củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cao trong quản lý và lãnh đạo. Tiếp đến là tập trung rà soát và sửa đổi thể chế. Đại biểu nhấn mạnh việc đẩy nhanh việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo quản vào sản xuất và lưu thông, đặc biệt là ứng dụng công nghệ mới vào quá trình quản lý để cắt giảm bộ máy và nhân lực, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Đối với việc cơ cấu lại nguồn vốn, đặc biệt là vốn đầu tư công, Đại biểu cho rằng, chúng ta đã nhiều lần xác định cơ cấu lại vốn đầu tư công theo hướng tập trung vào những công trình trọng điểm và công trình đã dang dở để hoàn thành, tập trung không có giữ nghiêm kỷ luật đầu tư công. Ngoài ra, sớm cụ thể hóa Kết luận 14 ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Trong khi, đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Tây Ninh, nhấn mạnh ổn định kinh tế vĩ mô là điều kiện quan trọng hàng đầu để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế. Việc kết hợp một cách chặt chẽ, khoa học giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ sẽ vừa đảm bảo nguồn cung tiền cho phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm chỉ số lạm phát giới hạn ở mức độ cho phép, tránh gây xáo trộn nền kinh tế. Đây được coi là chìa khóa thành công có tính nền tảng. Ngoài ra, cần tháo gỡ mọi vướng mắc trong giải ngân đầu tư công - lĩnh vực còn nhiều dư địa và nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, cần khuyến khích và có chính sách hợp lý để tăng thu hút đầu tư tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài...
Liên quan đến các gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, đại biểu Nguyễn Như So – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh đề nghị cần khẩn trương, quyết liệt giải ngân gói hỗ trợ cho doanh nghiệp đã ban hành trong thời gian qua. Việc tiếp cận gói chính sách hỗ trợ còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hưởng thụ còn hạn chế. Do vậy, cần tối giản và rút gọn các thủ tục rườm rà, tạo điều kiện thuận lợi doanh nghiệp tiếp cận được nguồn hỗ trợ.
Đại biểu cũng kiến nghị, Chính phủ nhanh chóng ban hành các gói hỗ trợ tiếp theo đủ lớn, có hiệu ứng lan tỏa sâu rộng để phục hồi kinh tế mà vẫn đảm bảo kiểm soát được chỉ tiêu vi mô.
Ngoài ra, vấn đề phát triển, mở rộng thị trường được coi là nhiệm vụ sống còn và phát triển kinh tế. Do đó, các Đại biểu cho rằng, cần phải có chính sách đột phá nhằm ổn định phát triển thị trường nội địa, đa dạng hóa thị trường quốc tế, mở rộng môi trường xuất khẩu mới có tiềm năng tăng cường xúc tiến đầu tư thương mại trực tuyến gắn với chuyển đổi số. Xây dựng Trung tâm quảng bá thương hiệu hàng hóa Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
Mục tiêu GDP năm 2022 tăng 6-6,5%
11:00, 11/11/2021
Cần nguồn lực mạnh để chớp thời cơ phục hồi kinh tế
04:00, 11/11/2021
Đầu tư nông nghiệp – mắt xích thúc đẩy phục hồi kinh tế
11:30, 10/11/2021
Kết hợp chính sách tài khoá và tiền tệ ra sao để tạo đà phục hồi kinh tế?
05:06, 10/11/2021
Phục hồi kinh tế: Chính sách tài khóa yểm trợ cho chính sách tiền tệ
04:10, 09/11/2021