Kinh tế vĩ mô năm 2022 tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội.
>>Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng
Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khoá XV, ngày 9/1.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, năm 2022 trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường. Trong nước khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi, nền kinh tế chịu tác động tiêu cực kép cả từ bên trong và bên ngoài.
Nhưng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, sự đoàn kết, đồng lòng, nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị và hỗ trợ của bạn bè quốc tế, chúng ta đã đạt được những thành tựu rất quan trọng và khá toàn diện.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15% trong mức chỉ tiêu của Quốc hội, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Thu ngân sách nhà nước đạt 1,804 triệu tỷ đồng, vượt 27,76% so với dự toán và tăng 14,12% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD, xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu có nhiều chuyển biến, nhiều mặt được tăng cường.
>>Quốc hội phê chuẩn ông Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang giữ chức Phó Thủ tướng
>>Quốc hội phê chuẩn miễn nhiệm Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam
Công tác cải cách hành chính, thanh tra, kiểm tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí… có nhiều đổi mới, nhiều mặt có đột phá và để lại dấu ấn nổi bật, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao của Nhân dân.
Vẫn theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, trong năm 2022 Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp tiếp tục có nhiều đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động cả về công tác lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và các địa phương.
Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, rà soát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, khơi thông các nguồn lực và tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật.
Quốc hội họp 2 kỳ thường lệ, 1 kỳ bất thường, thông qua 12 luật, cho ý kiến 8 dự án luật khác, ban hành nhiều nghị quyết quan trọng thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thiện kết cấu hạ tầng, thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
“Việc Quốc hội xem xét, quyết định 5 vấn đề lớn, quan trọng và cấp bách tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2 này cũng sẽ góp phần tháo gỡ kịp thời nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời, tạo tiền đề quan trọng để thực hiện nhiệm vụ năm 2023 và các năm tiếp theo”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, năm bản lề có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và kế hoạch 5 năm 2021-2025. Tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Đại dịch Covid-19 trên toàn cầu chưa chấm dứt và hậu quả của đại dịch còn phải khắc phục trong nhiều năm. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn diễn ra gay gắt, xung đột Nga - Ucraina còn diễn biến phức tạp.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu có xu hướng chậm lại, nhiều nước lạm phát ở mức cao, có dấu hiệu rơi vào đình trệ hoặc suy thoái, buộc phải kéo dài việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng lãi suất.
Trong nước, sức ép lạm phát, tỷ giá, lãi suất gia tăng; sản xuất kinh doanh đối mặt với nhiều thách thức, đơn hàng xuất khẩu, việc làm, lao động của nhiều doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giầy, gỗ, điện tử - điện máy… bị thu hẹp, chỉ số sản xuất công nghiệp trong Quý IV/2022 chỉ tăng 3%, giảm mạnh so với mức tăng 10,9% của Quý III/2022.
Vốn đăng ký mới, bổ sung và góp vốn FDI năm 2022 giảm 19% so với năm trước, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và tăng thu ngân sách nhà nước đang có xu hướng giảm. Những bất cập, hạn chế, yếu kém từ nội tại nền kinh tế tích tụ từ lâu chưa được xử lý căn bản, ngày càng bộc lộ rõ hơn trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay.
Năng lực hấp thụ vốn, tính thanh khoản của nền kinh tế suy giảm, giải ngân vốn đầu tư công và một số cấu phần của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các chương trình mục tiêu quốc gia còn rất chậm.
Thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản sau những biến động mạnh, bộc lộ rủi ro, vi phạm buộc phải xử lý, lại rơi vào nguy cơ đình trệ, “đóng băng”. Trong khi đó, khả năng cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế còn hạn chế; thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường.
Trong bối cảnh đó, các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp và người dân cần quán triệt, bám sát các nghị quyết, kết luận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Nghị quyết 68/2022/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Đặc biệt, cần đổi mới tư duy, có cách tiếp cận mới, phương pháp và giải pháp mới, tích cực, chủ động, sáng tạo và quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành; vừa tập trung khắc phục, hóa giải thành công khó khăn, thách thức, thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, nhất là giải quyết những khâu, những mặt còn trì trệ, vừa triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ có tính trung hạn, dài hạn bằng các giải pháp đồng bộ, hệ thống, căn cơ, hiệu quả.
Tăng cường hoàn thiện thể chế phát triển, tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh kịp thời cho người dân, doanh nghiệp, kiến tạo các không gian phát triển và động lực tăng trưởng mới. Coi trọng phát triển văn hóa ngang tầm với kinh tế, chính trị, xã hội; khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, bảo vệ môi trường, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, nhất là người có công, hộ nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường tiềm lực, củng cố, giữ vững quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh và nâng tầm quan hệ đối ngoại, nâng cao hiệu quả, chất lượng hội nhập quốc tế; đảm bảo môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác để phát triển nhanh và bền vững. Đó chính là mục tiêu phát triển của chúng ta.
Trước mắt, để hiện thực hóa đồng bộ và hiệu quả các quyết sách tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội khóa XV, đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các cấp, các ngành, các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội tổ chức triển khai thực hiện nhanh chóng, kịp thời các Luật, Nghị quyết vừa được thông qua, gắn chặt công tác tư tưởng với công tác tổ chức, cán bộ nhằm bảo đảm đúng theo tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, “trên dưới đồng lòng”, “dọc ngang thông suốt” mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần nhấn mạnh.
Đặc biệt, các vị đại biểu Quốc hội bằng các hình thức phù hợp, thông tin nhanh chóng, đầy đủ đến cử tri cả nước kết quả của Kỳ họp; lắng nghe, tổng hợp và báo cáo ý kiến và nguyện vọng của cử tri; giám sát hiệu quả việc giải quyết các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đồng thời, chủ động góp phần chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ Nhân dân vui Xuân, đón Tết Nguyên đán Quý Mão tươi vui, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, tạo khí thế mới ngay từ cơ sở và mỗi gia đình, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm mới.
Có thể bạn quan tâm
16:48, 05/01/2023
15:38, 05/01/2023
13:23, 05/01/2023
09:07, 05/01/2023
18:12, 03/01/2023
04:30, 29/12/2022
21:27, 27/12/2022