Lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cần tiến hành chậm, đặc biệt không quy định "dàn hàng ngang" mà phải cụ thể với từng đối tượng, bắt đầu từ khu vực hành chính sau đó mới tới doanh nghiệp.
Trong khi chỉ còn ít ngày nữa, Dự thảo sửa đổi Luật Lao động sẽ được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2019) và các đại biểu quốc hội bỏ phiếu thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2019), thì vẫn có nhiều ý kiến trái chiều về các quy định tại dự thảo.
Theo đó, ý kiến của nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội doanh nghiệp cho rằng, Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi đang quá “bao bọc” người lao động, khiến lao động có tâm lý chây ì không chịu tiến bộ, kìm hãm sự phát triển của lao động trong nâng cao năng suất cũng như phát triển doanh nghiệp, xã hội. Kiến nghị, người sử dụng lao động cần có quyền ngang với người lao động.
Theo Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hoài Nam: "Có nhiều điểm không tạo sự công bằng giữa người lao động và chủ sử dụng lao động, sẽ tạo sự trì trệ. Ví như quy định người lao động chỉ bị đuổi việc khi nghỉ 6 ngày liên tục/tháng. Vậy họ nghỉ cách ngày thì sao, họ chỉ nghỉ 4-5 ngày hoặc nghỉ kiểu “nhảy cóc” thứ 2-4-6 thì doanh nghiệp biết làm sao?”.
Do đó, Phó Tổng Thư ký Vasep kiến nghị cần sửa kéo dài thời gian thử việc, đồng thời điều chỉnh quy định thành “người lao động nghỉ 5 ngày cộng dồn trong một tháng không lý do” là doanh nghiệp có thể cho thôi việc.
Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề đáng lo. “Nước ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng, khả năng kéo dài đến năm 2035. Nếu tăng tuổi hưu sớm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến thị trường lao động. Riêng với các ngành dệt, may, da giày cần nhanh tay, nhanh mắt, nhanh chân, người lao động phải ra khỏi dây chuyền sớm. Có những lao động nữ ngày ngày chỉ nhìn vào 1 lỗ kim nên 40 tuổi đã đeo kính, không thể đảm bảo sức khoẻ”, Tổng thư ký Hiệp hội dệt may VN Trương Văn Cẩm cho biết.
Cùng quan điểm, ông Bùi Đức Thịnh, Chủ tịch Tổng công ty May Sông Hồng nêu thực tế, hiện lao động nữ rất sợ tăng tuổi nghỉ hưu. Có người sau khi nghe tăng tuổi hưu đã “chạy” giấy giám định sức khỏe để nghỉ hưu trước tuổi.
Do đó, Chủ tịch Tổng công ty May Sông Hồng kiến nghị giữ nguyên mức tuổi nghỉ hưu nữ 55 và nam 60 như quy định hiện hành.
Trong khi giới sử dụng lao động bày tỏ lo lắng, thì đại diện người sử dụng lao động cho biết ủng hộ kéo dài tuổi hưu. Tuy nhiên, các ý kiến đều cho rằng cần thực hiện theo lộ trình chậm. Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN cho rằng, lộ trình tăng tuổi hưu, tính từ năm 2021, mỗi năm thêm từ 3-4 tháng đối với người lao động là phù hợp.
Có thể bạn quan tâm
22:01, 14/05/2019
15:30, 14/05/2019
20:08, 04/05/2019
01:02, 02/05/2019
11:00, 01/05/2019
18:22, 30/04/2019
Tuy nhiên, cần lưu ý cần tới nhiều đối tượng làm việc trực tiếp trong môi trường nặng nhọc, độc hại không thể làm việc được tới 60 hoặc 62 tuổi được.
“Ngay cả việc giảm tuổi hưu 5 năm cho những đối tượng đặc biệt cũng cần xem lại. Đơn cử như nhiều lao động ngành than chỉ hơn 40 tuổi đã sức yếu, mắt kém. Nguy cơ làm việc liên tục có thể gây nên tai nạn lao động…”, ông Ngọ Duy Hiểu góp ý.
Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thì nhận định, cần đưa ra lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu cụ thể cho từng đối tượng. Dự thảo bộ Luật Lao động đang “dàn hàng ngang”.
"Trước đây để chuẩn bị việc tăng tuổi hưu, chúng tôi có đưa ra lộ trình tăng trước đối với khu vực hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp tăng sau, như vậy rất rõ ràng… Còn tăng tuổi hưu như hiện nay thì hơi lo", ông nói.
Ông Huân nhận định, tăng tuổi nghỉ hưu như hiện nay chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động, nếu như tổng việc làm không tăng, số người ở lại ảnh hưởng số người chưa có việc làm. Kinh nghiệm từ các nước khi tăng tuổi hưu thì phải có lộ trình đi từng bước.