Tăng “vốn mồi” dự án PPP lên 65%?

PHAN NAM 08/04/2023 02:00

Bộ KH&ĐT đề xuất nâng tỷ lệ tham gia của Nhà nước trong dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) đường bộ không quá 65% tổng mức đầu tư dự án thay vì mức không quá 50% như hiện nay.

>>Hoàn thiện cơ chế PPP hàng không

 Thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Duy Quang

Thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam. Ảnh: Duy Quang

Đây là một trong những đề xuất quan trọng trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về Thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư lấy lý kiến.

Thiếu hấp dẫn

Trước tình hình khó khăn về vốn, mới đây UBND tỉnh Điện Biên đã có Tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị hỗ trợ toàn bộ phần vốn Nhà nước tham gia thực hiện dự án giai đoạn 1 (TP. Điện Biên Phủ - nút giao Km15 + 800, quốc lộ 279 thuộc xã Búng Lao, huyện Mường Ảng) với tổng chiều dài tuyến khoảng 44km) theo hình thức PPP thuộc đoạn tuyến Sơn La - Điện Biên - cửa khẩu Tây Trang của dự án cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên có chiều dài 200km, quy mô 4 làn xe, tốc độ thiết kế 80 km/h, chiều rộng nền đường 22m.

Theo đó, dự án dự kiến thực hiện từ năm 2024 - 2026, hoàn thành năm 2027, với sơ bộ tổng vốn đầu tư khoảng 9.246 tỷ đồng. Bao gồm chi phí xây dựng hơn 6.600 tỷ đồng; chi phí bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư khoảng 433 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, chi phí khác khoảng 532 tỷ đồng... Trong đó, phần vốn nhà đầu tư tham gia thực hiện khoảng 4.627 tỷ đồng (chiếm 50,04% tổng vốn dự án) và phần vốn ngân sách nhà nước tham gia dự án khoảng 4.620 tỷ đồng (chiếm 49,96% tổng vốn đầu tư dự án).

Tuy nhiên, trao đổi với DĐDN, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên Lê Thành Đô thẳng thắn nhìn nhận ngay cả khi Chính phủ đồng ý với đề xuất của tỉnh thì với quy định phần vốn nhà nước (từ ngân sách Trung ương hoặc ngân sách địa phương) tham gia không quá 50%, sẽ rất khó để thu hút nhà đầu tư tham gia vào dự án.

Không riêng tỉnh Điện Biên, từ thực tế triển khai, nhiều địa phương như tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai… cũng đã kiến nghị tăng 'vốn mồi' cho dự án PPP trên tất cả địa bàn, không chỉ áp dụng riêng cho địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn.

Trước đó, Hiệp hội các Nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng đã nhiều lần đề xuất tăng tỷ lệ vốn mồi nhà nước cho các dự án PPP. Qua đó, tạo động lực thu hút, huy động vốn đầu tư tư nhân.

Chính vì vậy, tại Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các Luật để đầu tư xây dựng đường bộ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất nâng tỷ lệ tham gia của nhà nước trong dự án PPP lên không quá 65% tổng mức đầu tư.

>>Mở rộng Cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức PPP: Khó thực hiện vì vướng luật?

>>Bình Dương: Nhiều kỳ vọng tại 2 dự án giao thông trọng điểm theo phương thức PPP

>>Đường sắt TP.HCM - Cần Thơ sẽ đầu tư theo phương thức PPP

Tăng tính khả thi

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh: Một số dự án đang chuẩn bị đầu tư để triển khai giai đoạn tới nhằm tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho một số vùng, miền còn khó khăn, các dự án này có nhu cầu vận tải giai đoạn đầu chưa cao nên cần có sự tham gia vốn nhà nước nhiều hơn để đảm bảo tính khả thi khi kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP.

Đối với một số dự án có nhu cầu vận tải thấp hoặc suất đầu tư cao, nếu áp dụng đúng quy định “vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư của dự án” (khoản 2 Điều 69 Luật PPP) sẽ khó bảo đảm hiệu quả tài chính và không thể hấp dẫn các nhà đầu tư, các tổ chức tín dụng để triển khai theo phương thức PPP, đặc biệt một số dự án chỉ tính riêng chi phí giải phóng mặt bằng, tái định cư đã vượt quá 50% tổng mức đầu tư của dự án.

“Nguồn vốn tham gia của nhà nước trong dự án PPP về bản chất là mang tính hỗ trợ dự án, là "vốn mồi" nhằm gia tăng tính hiệu quả về tài chính cho dự án, đồng thời tại Luật PPP đã có quy định về việc chia sẻ rủi ro giữa nhà nước và nhà đầu tư. Khi thông qua Luật PPP, Quốc hội đã cân nhắc kỹ lưỡng vấn đề này và đã quyết định mức trần vốn nhà nước tham gia thực hiện dự án PPP.

Do đó mặc dù tăng giới hạn tỷ lệ vốn nhà nước nhưng cũng cần khống chế mức trần 65% tổng mức đầu tư của dự án (giá trị 65% được tính trung bình theo các dự án PPP trước đây) áp dụng cho các dự án tại địa bàn khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc có yếu tố an ninh - quốc phòng. Trường hợp vốn Nhà nước lớn hơn 65%, có thể nghiên cứu đầu tư dự án theo hình thức đầu tư công do làm mất đi bản chất PPP, dẫn đến suy giảm mục tiêu, hiệu quả của phương thức đầu tư PPP”- Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phân tích.

Ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI) đánh giá cao đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong Dự thảo Nghị quyết Quốc hội về thí điểm tháo gỡ một số cơ chế, chính sách quy định tại các luật để đầu tư xây dựng đường bộ đồng thời khẳng định đây là những vướng mắc diễn ra trong thực tế từ nhiều năm nay, khiến một số dự án đường bộ quy mô lớn đang rất chật vật trong việc thu hút nhà đầu tư.

Theo dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoàn thiện cơ chế PPP hàng không

    04:00, 07/04/2023

  • Tăng “vốn mồi” dự án PPP lên 65%?

    15:12, 06/04/2023

  • VBF 2023: Chú trọng hợp tác công tư PPP để phát triển năng lượng tái tạo

    14:47, 19/03/2023

  • TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Rà soát vướng mắc trong hoạt động đầu tư theo phương thức PPP

    20:00, 16/03/2023

  • Mở rộng Cao tốc TP.HCM - Trung Lương theo hình thức PPP: Khó thực hiện vì vướng luật?

    00:30, 11/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tăng “vốn mồi” dự án PPP lên 65%?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO