Tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung

Lê Trang thực hiện 22/06/2018 15:51

Xây dựng hệ thống hạ tầng đồng bộ đóng vai trò quyết định trong việc đưa Quảng Ngãi trở thành động lực mới của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Ông Hà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi cho biết, việc hoàn thành các dự án hạ tầng giao thông quan trọng của Quảng Ngãi, đặc biệt là đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong thời gian tới sẽ góp phần tạo điều kiện cho phát triển kinh tế không chỉ cho tỉnh mà cho cả vùng.

- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX xác định trong 5 năm (2015-2020), để tạo sự bứt phá phải tập trung hoàn thành 3 nhiệm vụ đột phá, trong đó có nhiệm vụ xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị. Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về các kết quả đã đạt được?

Những năm qua, Sở GTVT đã tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện đầu tư, đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả đầu tư các dự án giao thông kết nối các khu công nghiệp trọng điểm với hệ thống quốc lộ và mạng lưới giao thông nội tỉnh. Quảng Ngãi xác định rõ danh mục một số công trình, dự án hạ tầng giao thông quan trọng, mang tính đột phá để đầu tư hoàn thành trong giai đoạn 2016- 2020.

  Tỉnh tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, có cơ chế tài chính đặc thù để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước

Tính đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn tỉnh được nhựa hoá, cứng hoá với quốc lộ đạt 100%, đường tỉnh đạt 95%, đường đô thị đạt 93,2%, đường huyện đạt 74,94%, đường xã đạt 62,22%, đường thôn, khối phố đạt 41,82%. Một số dự án giao thông trọng điểm được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng như: Dự án cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1 (giai đoạn 1); Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 24, đoạn Thạch Trụ - Phổ Phong; đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh, đoạn Dung Quất – Trà Khúc; đường bờ Nam sông Trà Khúc; đường Nguyễn Trãi; đường Nguyễn Công Phương…; hoàn thành giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi. Hiện nay, Tỉnh đang chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án: Cải tạo, mở rộng Quốc lộ 1, đoạn Km 1027 - Km1045 + 780 từ Dốc Sỏi đi VSIP, cầu Cửa Đại, cầu Thạch Bích, cảng Bến Đình… đồng thời, đẩy nhanh tiến độ cung ứng xi măng cho các xã xây dựng đường giao thông nông thôn thưc hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới. Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 46 xã đạt tiêu chí về giao thông theo quy định của Bộ GTVT, trong đó có 41 xã được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

p/Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng kiểm tra tiến độ thi công cảng Bến Đình

Chủ tịch UBND tỉnh Trần Ngọc Căng kiểm tra tiến độ thi công cảng Bến Đình

- Với những nền tảng đã được thiết lập, mục tiêu tiếp theo của ngành GTVT Quảng Ngãi trong thời gian tới như thế nào, thưa ông?

Mục tiêu trong thời gian tới của ngành GTVT là tiếp tục huy động tổng hợp nhiều nguồn lực để đầu tư cải tạo, nâng cấp và mở rộng cơ sở hạ tầng giao thông, trong đó tập trung xây dựng hoàn thành nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Dốc Sỏi - VSIP; xây dựng đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh (giai đoạn 2) và cầu Cửa Đại để kết nối tỉnh Quảng Ngãi với các tỉnh trong Vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung nhằm tạo ra hành lang phát triển kinh tế biển; nâng cấp mở rộng tuyến QL24C, 24B theo đúng quy mô đường quốc lộ, đồng thời kéo dài đoạn tuyến Sơn Hà - Sơn Tây kết nối với tỉnh Kon Tum qua xã Đắk Nên, huyện Kon Plông và kiến nghị Bộ GTVT nâng cấp thành tuyến QL24D; hoàn thành xây dựng đường tránh lũ và cứu hộ, cứu nạn vùng Tây Quảng Ngãi, đường tỉnh 624 (Quảng Ngãi - Minh Long), đường tỉnh 624B (Quán Lát - Đá Chát), đường tỉnh 623B (Quảng Ngãi – Thạch Nham) giai đoạn 2, đường Tịnh Phong - Cảng Dung Quất 2 và các tuyến đường trục quan trọng trong KKT Dung Quất…, kiến nghị Tổng Công ty phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) hoàn thành toàn bộ trục chính đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi để đưa vào sử dụng trước 30/6/2018 theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT. Ngoài các công trình quan trọng nêu trên, đến năm 2020 tỉnh Quảng Ngãi cần phải tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư nâng cấp, mở rộng và nhựa hóa, cứng hóa đồng bộ các tuyến đường tỉnh (đạt 100%), đường huyện (đạt khoảng 80%), đường xã (đạt khoảng 70%).

- Để thực hiện được các mục tiêu, kế hoạch đã đề ra, cần nguồn lực rất lớn, trong bối cảnh ngân sách các địa phương còn khó khăn, xin ông cho biết các giải pháp huy động các nguồn lực xã hội?

Để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông trong bối cảnh ngân sách các địa phương còn khó khăn như hiện nay thì bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực Trung ương thì việc đẩy mạnh thu hút đầu tư từ bên ngoài, huy động nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hạ tầng giao thông là hết sức cần thiết. Do đó, trên cơ sở Quy hoạch được duyệt, trong năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành danh mục các dự án thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), theo đó có 31 dự án, trong đó có 14 dự án giao thông đường bộ. Hiện nay, các dự án này đã được công bố trên cổng thông tin điện tử của tỉnh và các cơ quan đề xuất dự án đang tiến hành lập hồ sơ đề xuất dự án để đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt làm cơ sở kêu gọi các nhà đầu tư.

Hiện Quảng Ngãi là một trong những tỉnh có môi trường đầu tư thuận lợi của khu vực miền Trung, Tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, xây dựng các cơ chế chính sách thuận lợi hơn nữa, đặc biệt là phải xây dựng các cơ chế chính sách thông thoáng, có cơ chế tài chính đặc thù để thu hút, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch được duyệt.

Cùng với với việc thu xếp, tìm kiếm nguồn vốn đầu tư, chúng tôi sẽ thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án đúng tiến độ và kế hoạch đề ra. Qua đó, thúc đẩy kết nối hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tạo động lực cho vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO