Một số thay đổi chính sách thuế của Bộ Tài chính thời gian qua chưa nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân và doanh nghệp.
Theo các chuyên gia, Bộ Tài chính muốn tăng thuế đối với từng lĩnh vực thì phải để người dân hiểu được mục tiêu của việc tăng thuế là gì? Cân đối thu chi của Chính phủ đã phù hợp chưa?
Người dân có quyền nghi ngờ
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nếu cơ quan soạn thảo không làm việc một cách nghiêm túc, người dân có quyền nghi ngờ tất cả những chính sách do nhà nước ban hành chứ không phải riêng của Bộ Tài chính. Muốn ban hành một sắc thuế nào đó, Bộ Tài Chính phải giải thích được mấy vấn đề:
Thứ nhất, đánh thuế nhằm mục tiêu gì?
Thứ hai, khi đánh thuế không thể nhìn nhận tác động một cách trực diện mà phải nhìn nhận toàn diện nền kinh tế bao gồm cả lợi ích và chi phí.
Thứ ba, sai lầm lớn nhất khi làm chính sách là bộ ngành chỉ đưa ra một phương án điều chỉnh, trong khi tại các nước văn minh ít nhất khi thảo luận một vấn đề, cơ quan chủ quản phải đưa ra từ 3 đến 4 phương án chính sách để từ đó so sánh.
Có thể bạn quan tâm
05:30, 11/05/2018
09:02, 07/05/2018
12:54, 05/05/2018
Còn theo chuyên gia kinh tế Lưu Bích Hồ, chúng ta không thể cân đối ngân sách bằng cách tăng thu. Bộ Tài chính trước khi đưa ra dự thảo cần tham khảo ý kiến dư luận nhiều hơn, không nên để tình trạng như đề xuất thuế nhà đất vừa qua khiến dư luận phản ứng dữ dội.
Các doanh nghiệp còn nhiều băn khoăn về các sắc thuế, đơn cử như thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, doanh nghiệp hiểu đây như thu bù ngân sách chứ không phải bảo vệ môi trường.
Minh bạch các con số
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban pháp chế VCCI băn khoăn, nếu thiết kế thu thuế xăng để bảo vệ môi trường thì phải giải trình được bảo vệ môi trường như thế nào, điều chỉnh hành vi người tiêu dùng ra sao? Việc chuẩn bị điều chỉnh các sắc thuế hầu như chưa có giải thích gì. Bộ Tài chính đưa ra đề xuất đánh thuế nhưng lại chưa phân tích được tác động đến danh nghiệp như thế nào, ảnh hưởng đến nguồn thu ra sao, sức tăng trưởng kinh tế của nhóm nào sẽ bị tác động mạnh nhất khi tăng thuế?
Ngoài ra, chính sách thu thuế làm theo thông lệ quốc tế, nhưng người dân cũng có thể đặt câu hỏi rằng liệu chi tiêu đã theo tiêu chuẩn quốc tế hay chưa? Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng, hiện các số liệu thống kê cho thấy, chi thường xuyên quá cao, lên tới 80%. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là giảm chi thường xuyên, nhưng cái khó của Bộ Tài chính là “Bộ có mỗi quyền tăng thuế”. Trong khi đó, công khai ngân sách đang có vấn đề. Mặc dù, website của Bộ Tài chính có mục “Công khai ngân sách với công dân”, nhưng không có bất cứ thông tin nào có giá trị với người dân.
Chuyên gia Vũ Đình Ánh thì cho biết, ông chưa từng được biết mục công khai ngân sách với công dân. Trong khi các số liệu về ngân sách lại mỗi nơi một kiểu, mỗi chuyên gia phân tích về chính sách thuế dựa trên một “bức tranh” ngân sách khác nhau. Hai số liệu từ Bộ Tài chính để phân tích ngân sách cũng cho bức tranh khác nhau, đó là số liệu quốc tế và số liệu trong nước. Tôi làm ở Bộ Tài chính 20 năm nay cũng không hiểu số liệu quốc tế với số liệu trong nước nó là cái gì? - TS Vũ Đình Ánh nói.