Tại Đại hội cổ đông 2018 mới đây, Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) khẳng định, bẳng mọi giải pháp chiến lược, Tập đoàn sẽ “không là người đi theo, luôn là người dẫn đầu”
Đồng thời đặt kế hoach kinh doanh 2018 với những tham vọng khủng trong trung và dài hạn.
Trong nhiều năm, CTCP Hàng Tiêu dùng Masan (Masan Consumer, HoSE: MCH) là một trong những thành phần cốt lõi chiếm tỷ trọng doanh thu lớn của MSN.
“Đầu tư cho marketing” trở lại ở Masan Consumer
Theo BCTC hợp nhất 2017 của MSN, MCH đạt doanh thu thuần 13.526 tỷ đồng, tương đương 36% tổng doanh thu thuần hợp nhất của Tập đoàn là 37.621 tỷ đồng, giảm 8,7% so với năm 2016, do có 1.000 tỷ đồng tồn kho tại hệ thống phân phối. Trong khi đó, tỷ trọng đóng góp doanh thu thuần của Masan Nutri-Science đã tăng lên đáng kể với 18.690 tỷ đồng và Masan Resources đóng góp 5.490 tỷ đồng. Theo đó, dù được cải thiện bởi các nguồn thu mới, kết quả doanh thu của MSN vẫn sụt giảm so với 2016.
Một trong những nguyên khiến doanh thu của MCH tăng trưởng chậm lại trong năm qua, theo ông Danny Lê- Giám đốc Chiến lược và Phát triển MSN, là do từ 2008-2015, Cty đã chuyển từ top 3 doanh nghiệp đầu tư cho thương hiệu nhiều nhất ở Việt Nam, với mức chi cho quảng cáo khoảng 45% doanh thu sang mô hình “bán hàng”, chú trọng khuyến mãi, lọt ra khỏi top 10 của mục chi phí này. Theo đó, ngày tồn kho của MCH đã tăng lên khoảng 80 ngày.
Một con số khác cũng đo lường tăng trưởng chậm của MCH so với trước đây, là từ 2008-2013 Cty đã tạo dựng được 10 thương hiệu/sản phẩm mạnh, giai đoạn từ 2014-2017 chỉ xây dựng được thương hiệu lớn nhất là Wake-up 247. Thực tế, Cty đã tung những thương hiệu trong 2017 nhưng vẫn cần thêm thời gian.
Sau một giai đoạn mà dường như “đã có lúc đi quá xa”, những chiến lược gia của MSN đã sớm nhận diện được vấn đề. Năm 2017 đã hoàn tất giai đoạn chuyển đổi. Trở lại với mô hình đầu tư cho chất lượng sản phẩm, thương hiệu, MCH đã nhận quả ngọt mùa sớm với kết quả kinh doanh khởi sắc ở quý I/2018 với: Tăng trưởng doanh thu thuần đạt 3.586 tỷ đồng, tăng 78,3% so với quý I/2017 và EBITDA (lợi nhuận thuần sau thuế, cộng lại chi phí tài chính thuần, thuế, khấu hao và phân bổ lợi thế thương mại) đạt 417,4%.
Nhìn lại, để tiếp tục bước tới
Nhìn nhận những khó khăn của Cty, đối với bất kỳ một doanh nghiệp luôn là… khó khăn lớn của các nhà lãnh đạo. Trong kỳ đại hội cổ đông 2018 của MSN, các cổ đông khá ngỡ ngàng khi lãnh đạo tập đoàn đã nhìn nhận đầy đủ mọi khó khăn ở cả MCH, Masan Nutri-Science, Masan Resources - diễn ra trong giai đoạn trước.
1.022
tỷ đồng là lợi nhuận hợp nhất sau thuế của Tập đoàn Masan trong quý 1/2018, tăng 290% so với cùng kỳ năm 2017.
Cụ thể, MSN cho biết, như đề cập ở trên, MCH có vấn đề với chiến lược bán hàng. Masan Nutri-Science (MNS) chỉ mới bắt đầu đầu tư với mô hình 3F và chưa thể lập tức trở thành người dẫn đầu, trừ việc dẫn đầu trong ngành cám/ thức ăn chăn nuôi. Masan Resources với thời điểm mua mỏ Volfram là lúc giá Volfram thế giới xuống thấp. Ngay cả Techcombank mà trước 2018 MSN kiểm soát 30% lợi ích kinh tế, ở giai đoạn 2008-2013, cũng gặp vấn đề với sự khủng hoảng của thị trường tài chính và làn sóng tái cơ cấu, M&A…
“Đó chỉ là khó khăn của giai đoạn trước và những khó khăn đó cũng không cản trở bước chân của MSN. Bằng mọi giải pháp chiến lược, MSN vẫn không là người đi theo, luôn là người dẫn đầu” - ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT MSN cho biết.
Những quyết định của MSN với lợi thế 29 nhà máy sản xuất và chế biến có công nghệ đẳng cấp, mạng lưới sâu rộng với 300 nhà phân phối, tiếp cận 190.000 điểm bán hàng dành cho thực phẩm và 130.000 điểm bán hàng đồ uống đã giúp công ty tiêu dùng tư nhân thuộc nhóm tăng trưởng và có quy mô lớn nhất Việt Nam này tiếp tục bước đi trong dài hạn.
“Xoay chuyển tình thế” với các thành viên
Cũng tại cuối kỳ quý I/2018, Masan Nutri-Science xác nhận khủng hoảng giá thịt heo đã làm Cty sụt giảm doanh thu năm 2017, chỉ là nhất thời. Theo đó, trong năm 2017 Masan Nutri-Science đã tiếp tục đầu tư, cụ thể rót thêm 300 tỷ đồng đầu tư vào chi phí bán hàng để hỗ trợ hộ nông dân và nhà phân phối. Sản phẩm Bio zeem - thành quả đổi mới và đóng góp vào tăng trưởng MSN. Hiện nay Masan Nutri-Science đứng đầu thị phần thức ăn chăn nuôi với 35% thị phần (chưa tính trại gia công).
Trong khi đó, Masan Resources là nhà sản xuất volfram hàng đầu có 36% thị phần toàn cầu ngoài Trung Quốc, đã đạt doanh thu 5.405 tỷ đồng trong 2017, tăng 33,4% so với năm 2016. MSN ước tính thành viên này sẽ đóng góp khoảng 7.300 tỷ đồng doanh thu- xét ở mức dự báo thấp hoặc 8.000 tỷ đồng doanh thu- xét ở mức dự báo cao cho mục tiêu 2018 của Tập đoàn.
Về khoản đầu tư Techcombank, MSN đã bán khoảng 10% tại ngân hàng này (trái phiếu chuyển đổi) vào 2017 ở vùng giá thỏa thuận cao, thu về khoảng 3.600 tỷ đồng, đạt lơi nhuận khoảng 1.000 tỷ đồng. Qua đó, MSN có nguồn tiền để mua lại 100 triệu cổ phiếu quỹ của tập đoàn ở giá mua bình quân 58.352đ/cổ phiếu và đây là khoản tài sản có giá trị, có thể mang về tỷ suất sinh lợi cao trong tương lai.
Tuy nhiên, đầu tư thu lợi tài chính ngắn hạn không phải là mục đích của MSN. Với việc xem Techcombank như một phần của gia đình MSN dù cổ phần sở hữu hiện tại đã về đúng quy định của NHNN là 20%, nhưng MSN vẫn đặt niềm tin vào Techcombank ở triển vọng sinh lời dài hạn với việc “xoay chuyển tình thế” sang mô hình rủi ro thấp, lợi nhuận cao.
BCTC hợp nhất 2017 của MSN cho thấy, tập đoàn đã tập trung vào chiến lược xây dựng thương hiệu mạnh và áp dụng phát kiến vào sản phẩm mới, trở lại với bệ phóng của mục tiêu dài hạn: Cứ tăng trưởng 1% doanh thu, sẽ cho 3% lợi nhuận.