Hiện nay, mỗi năm số lượng bằng độc quyền sáng chế được cấp của Tập đoàn Viettel tăng trung bình 142%, cao hơn so với mức tăng trung bình 18% của các chủ đơn trong nước.
Cụ thể, trong 4 năm qua, Tập đoàn Viettel đã sở hữu 37 bằng độc quyền sáng chế được cấp tại Việt Nam. Đồng thời, Viettel cũng đã có 4 bằng sáng chế được bảo hộ độc quyền tại Mỹ - thị trường khó tính nhất thế giới.
Theo đó, Tập đoàn Viettel cũng đang có 339 đơn xin cấp bằng sáng chế của đang chờ được các cơ quan bảo vệ sở hữu trí tuệ xét duyệt.
Thiếu tướng Hoàng Sơn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel cho biết: “Chiến lược làm chủ nền công nghiệp công nghệ cao với trình độ song hành thế giới thể hiện trách nhiệm và khát vọng của Viettel trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng một Việt Nam hùng cường, vững mạnh và hòa bình lâu dài. Bảo hộ các tài sản trí tuệ bằng việc đăng kí các sáng chế cấp quốc gia, quốc tế là việc Viettel sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ để hoạt động nghiên cứu tại Tập đoàn sẽ được ứng dụng và mang lại giá trị nhiều hơn trong tương lai”.
Các sản phẩm, công nghệ được Tập đoàn Viettel đăng ký bảo vệ về sở hữu trí tuệ đều có khả năng ứng dụng và giá trị làm lợi cao, hoàn toàn có thể cạnh tranh trên thị trường toàn cầu như: Phương pháp phân cực vòng kín và bù nhiệt số giúp ổn định chất lượng tín hiệu trong bộ khuếch đại công suất trong trạm thu phát gốc thế hệ thứ tư (trạm phát sóng 4G); Phương pháp đánh giá chất lượng và cô lập lỗi dựa trên tính toán thông lượng xử lý vô tuyến của tuyến thu hệ thống eNodeB (thiết bị của mạng 4G)...
Việc đẩy mạnh sở hữu trí tuệ của Viettel nằm trong chiến lược trở thành nòng cốt xây dựng tổ hợp CNQP công nghệ cao của Việt Nam. Viettel xây dựng đội ngũ khoảng 2.600 nhân sự là các cán bộ, kỹ sư, công nhân viên, người lao động có trình độ và tay nghề cao trong lĩnh vực này. Để khuyến khích CBVN đăng ký phát minh, sáng chế, Viettel có chính sách khen thưởng từ 20-100 triệu đồng cho mỗi phát minh, sáng chế được công nhận.