Sáng 6/11, TP Hà Nội nhận bàn giao dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và đón người dân đến trải nghiệm đi tàu miễn phí.
Lễ bàn giao dự án được tổ chức tại tầng 2 nhà ga Cát Linh với sự có mặt của Phó thủ tướng Lê Văn Thành, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng và Chủ tịch UBND Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Từ 9 giờ sáng nay, chuyến tàu đầu tiên sẽ lăn bánh từ ga Cát Linh (quận Đống Đa, Hà Nội) đi ga Hà Đông (thuộc phường Phú Lương, quận Hà Đông, Hà Nội) với thời gian khoảng 25 phút cho quãng đường 13,5km. Người dân có thể vào ga và trải nghiệm đi tàu miễn phí trong 15 ngày.
Phát biểu tại sự kiện, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, thay mặt lãnh đạo TP Hà Nội, tôi xin tuyên bố tiếp nhận dự án đầu tư, đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào khai thác và vận hành giai đoạn đầu từ hôm nay.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, Bộ GTVT yêu cầu Ban quản lý dự án Đường sắt tiếp tục đôn đốc Tổng thầu phối hợp chặt chẽ với Hanoi Metro trong giai đoạn đầu vận hành cũng như trong việc bảo hành, bảo trì dự án.
Thứ trưởng Bộ GTVT nhấn mạnh, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP Hà Nội trong giai đoạn vận hành khai thác tại dự án này cũng như việc triển khai các dự án đường sắt đô thị khác trên địa bàn.
Đại diện lãnh đạo Hanoi Metro cho biết trong 6 tháng đầu, giờ mở tuyến là 5h30-22h. Một tuần đầu, các đoàn tàu chạy với tần suất 15 phút/chuyến, tuần thứ 2 chạy 10 phút/chuyến. Nếu khách đông, Hanoi Metro sẽ lập tức điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu.
Ông Dương Đức Tuấn - Phó chủ tịch UBND Hà Nội cho biết, dự án được vận hành qua 3 giai đoạn. Giai đoạn vận hành thử đã thành công, an toàn tuyệt đối với 5.740 chuyến tàu và hơn 70.000km an toàn dưới sự giám sát của tư vấn và các cơ quan chức năng. Giai đoạn 2 từ ngày 6-11 tới, kéo dài khoảng một năm, sau đó đánh giá, đủ kiều kiện sẽ chuyển sang giai đoạn 3 - khai thác vận hành bền vững.
Trong những ngày đầu, đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ chạy 6 đoàn tàu với giãn cách 10 phút/chuyến. Sau 6 tháng sẽ chạy 12 đoàn tàu với tần suất 6 phút/chuyến, còn 1 đoàn tàu dự phòng.
Theo ông Vũ Hồng Trường - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị Hà Nội (Metro Hà Nội), đến nay Metro Hà Nội đã cập nhật toàn bộ các khuyến cáo về vận hành của tư vấn và bổ sung 82 nhân sự khắc phục phòng ngừa rủi ro khi khai thác như cảnh giới an toàn tại ke ga. Tổng số nhân sự khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông là 733 nhân viên.
Ông Trường cho biết trong 6 tháng đầu, tàu Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành theo tần suất từ thấp tới cao để vừa phù hợp với thông lệ chung và mức độ sử dụng dịch vụ của người dân. Các đoàn tàu sẽ khai thác từ 5h30, đóng lúc 23h hằng ngày, tần suất chạy tàu 10 phút/chuyến.
UBND TP Hà Nội miễn phí đi tàu 15 ngày đầu tiên để hành khách làm quen với tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội và Việt Nam. Sau đó tính giá vé theo quyết định của UBND TP Hà Nội với giá vé chặng 8.000 - 15.000 đồng, giá mở cửa 7.000 đồng, mỗi kilômet thêm 600 đồng. Bên cạnh đó có vé ngày, vé tháng.
"Do công nghệ của metro nên lần đầu tiên Việt Nam áp dụng đi dài trả tiền nhiều, đi ngắn trả tiền ít; vé tháng tính tròn 30 ngày, không theo tháng thiếu, tháng thừa ngày", ông Trường nói.
12 nhà ga thuộc tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Ga Cát Linh, Ga La Thành, Ga Thái Hà, Ga Láng, Ga Thượng Đình, Ga vành đai 3, Ga Phùng Khoang, Ga Văn Quán, Ga Hà Đông, Ga La Khê, Ga Văn Khê, Ga Yên Nghĩa) được bố trí nhiều tiện ích như thang máy, thang cuốn, thang bộ, bảng biển thông tin hướng dẫn về giờ tàu; tin tức, thiết bị hỗ trợ người khuyết tật, hệ thống thu soát vé tự động, hệ thống thông gió, thoát hiểm theo tiêu chuẩn quốc tế, camera giám sát an ninh...
Liên quan tới kết nối xe buýt, ông Trường cho biết dọc tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông có 55 tuyến xe buýt đã có phương án kết nối với đường sắt này từ năm 2020. Ga đầu Cát Linh và ga cuối Yên Nghĩa có 16 tuyến buýt, ga ít nhất 7 tuyến. Trong tương lai sẽ có 59 tuyến xe buýt kết nối với đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
"Hiện không có chỗ bố trí cho khách đi ô tô cá nhân gửi xe để đi tàu nhưng có 12 ga bố trí chỗ gửi xe máy cho người dân đi tàu", ông Trường cho biết thêm hành khách đi tàu được bảo hiểm khi có tai nạn như với xe buýt, tàu hỏa, máy bay.
Cũng theo ông Vũ Hồng Trường luật quy định, hành khách đi đường sắt đô thị được mua bảo hiểm. Bắt đầu từ ngày 6/11, hành khách đầu tiên đi tàu thì hợp đồng bảo hiểm sẽ được kích hoạt ngay. Nếu xảy ra tình huống mất an toàn trong quá trình đi tàu, hành khách sẽ được chi trả bảo hiểm.
Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông là một trong 8 tuyến đường sắt đô thị theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải (GTVT) Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Đây là công trình đường sắt đô thị thí điểm đầu tiên được Bộ GTVT phê duyệt năm 2008 và phê duyệt điều chỉnh vào năm 2016. Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Ban Quản lý dự án đường sắt, Bộ GTVT làm chủ đầu tư, được khởi công từ tháng 10/2011. Tổng mức đầu tư dự án hơn 18.000 tỷ đồng, vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước. Tổng thầu EPC thi công dự án là Công ty TNHH Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc, tư vấn giám sát thi công là Công ty TNHH GSXD Viện nghiên cứu thiết kế công trình đường sắt Bắc Kinh. Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có tổng chiều dài 13,05 km với 12 ga đi toàn bộ đi trên cao, điểm đầu là ga Cát Linh và điểm cuối là ga Yên Nghĩa, khu Depot tại Phú Lương - quận Hà Đông; Dự án đã mua sắm 13 đoàn tàu. Dự án được thiết kế theo tiêu chuẩn đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ tối đa 80km/h, tốc độ khai thác 35 km/h. Thời gian chạy tàu từ Cát Linh đến Hà Đông (hoặc ngược lại) là 23,63 phút. |
Có thể bạn quan tâm
01:04, 02/11/2021
20:29, 29/10/2021
05:00, 19/10/2021
05:00, 18/10/2021
05:00, 24/07/2021
05:00, 23/07/2021
16:02, 16/07/2021
07:26, 13/07/2021
02:13, 10/03/2021
03:00, 23/02/2021
00:11, 03/02/2021
05:24, 21/01/2021
12:00, 04/01/2021
09:40, 15/12/2020
05:00, 09/12/2020