Kinh tế địa phương

Tây Ninh: Hướng tới xanh hóa nền kinh tế

Phương Anh 04/11/2024 10:29

Môi trường đầu tư kinh doanh tốt không chỉ là sự thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng về thủ tục mà còn phải thân thiện với môi trường, theo định hướng bền vững.

Không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế

Tây Ninh có vị trí quan trọng trong mối giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Với 3 cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, Xa Mát, Tân Nam; 3 cửa khẩu quốc gia Kà Tum, Chàng Riệc, Phước Tân và 10 cửa khẩu phụ khác, Tây Ninh là đầu mối giao thương quan trọng kết nối Việt Nam với các nước ASEAN trong vùng Mekong mở rộng, các hành lang kinh tế quốc tế nhờ tuyến đường Xuyên Á.

Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công dự án chăn nuôi tại Tân Châu.
Tập đoàn Hùng Nhơn khởi công dự án chăn nuôi tại Tân Châu.

Ngành công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp ngày càng phát triển vững chắc, đã xây dựng hệ thống các nhà máy chế biến nông sản tại các vùng chuyên canh như: các nhà máy đường, các nhà máy chế biến bột củ mì, các nhà máy chế biến mủ cao su, từng bước xây dựng các khu công nghiệp trong tỉnh. Hạt nhân công nghiệp của tỉnh là các khu công nghiệp tập trung, trong đó Khu công nghiệp Phước Đông, Thành Thành Công thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Tây Ninh có hồ Dầu Tiếng với dung tích 1,45 tỷ mét khối và 1.053 tuyến kênh có tổng chiều dài 1.000km đã phát huy hiệu quả trong cân bằng sinh thái, phục vụ tưới tiêu trong nông nghiệp, cung cấp nước cho nuôi trồng thuỷ sản, sinh hoạt tiêu dùng và cho sản xuất công nghiệp.

Hệ sinh thái rừng Tây Ninh có tính đa dạng sinh học cao với đại diện là Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, các khu rừng đặc dụng khác và hệ thống rừng phòng hộ, các hệ sinh thái trên cạn và đất ngập nước đặc trưng cho vùng chuyển tiếp giữa Tây Nguyên và đồng bằng Nam bộ. Tỷ lệ che phủ rừng của Tây Ninh, đứng thứ 3 trong khu vực Đông Nam bộ. Đây là điều kiện rất thuận lợi để phát triển các hình thức du lịch sinh thái gắn với bảo tồn hướng đến nền kinh tế xanh trong tương lai. Về đa dạng thành phần loài, các loài động thực vật rừng Tây Ninh có mức độ phong phú cao, nhiều loài quý hiếm, đặc hữu.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025, công tác chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đều nhất quán quan điểm “không đánh đổi môi trường để lấy tăng trưởng kinh tế”.

Ông Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết, để thực hiện mục tiêu phát triển bền vững, ngành Nông nghiệp Tây Ninh đã và đang tập trung triển khai áp dụng nông nghiệp công nghệ cao để giảm thiểu phát thải trong chăn nuôi; áp dụng công nghệ để giảm phát thải metan trên cây lúa. Đối với những loại cây trồng khác, đưa vào những quy trình sản xuất để giảm phát thải, giảm tiêu thụ những loại nhiên liệu hoá thạch, phân bón thuốc, trừ sâu, đồng thời tăng khả năng hấp thụ CO2 của cây trồng; tăng việc tích luỹ CO2 trong đất….

Tây Ninh cũng tập trung phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, qua đó tối ưu hoá nguyên vật liệu, giảm chi phí sản xuất, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Kinh tế tuần hoàn của Tây Ninh tập trung vào các sản phẩm tiềm năng như: chăn nuôi, khoai mì, mía để giảm giá thành và tạo thêm giá trị kinh tế cho chuỗi ngành hàng.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh nhận nhận Cúp PGI 2023.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng- Phó Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh nhận nhận Cúp PGI 2023.

Thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường, tỉnh Tây Ninh cũng đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Mục tiêu của kế hoạch này là nhằm ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; ngăn chặn sự suy giảm đa dạng sinh học; góp phần nâng cao năng lực chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, carbon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của tỉnh.

Tiếp tục cải thiện chỉ số PGI

Theo xếp hạng PGI 2023, Tây Ninh đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố. Đây là thứ hạng cao, thể hiện sự ghi nhận tích cực của cộng đồng doanh nghiệp tư nhân đối với những nỗ lực của chính quyền tỉnh Tây Ninh trong công tác quản trị môi trường gắn với phát triển kinh tế.

Chỉ số PGI 2023 của Tây Ninh có sự cải thiện rõ nét so với năm 2022 đối với cả 4 chỉ tiêu thành phần: “giảm thiểu ô nhiễm và thiên tai”, “đảm bảo tuân thủ”, “thúc đẩy thực hành xanh”, “chính sách khuyến khích và dịch vụ hỗ trợ”.

Sau khi Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1736/QĐ-TTg, ngày 29/12/2023), hiện nay, tỉnh Tây Ninh đang tập trung thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề phù hợp với quy hoạch, nhất là lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch và phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh.

99-1727076353-img-5315.jpg
Thành phố Tây Ninh xanh, sạch, đẹp.

Trong định hướng thu hút đầu tư, tỉnh cũng ưu tiên những dự án có hàm lượng khoa học công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, phát triển năng lượng tái tạo, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Bên cạnh đó, với quyết tâm tiếp tục cải thiện chỉ số xanh cấp tỉnh, các cấp chính quyền tích cực tuyên truyền doanh nghiệp thúc đẩy “thực hành xanh” trong sản xuất kinh doanh từ những việc nhỏ như: “số hoá công việc giấy tờ để giảm sử dụng giấy”, “sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng”, “giảm tiêu thụ và sử dụng hiệu quả năng lượng trong các hoạt động của doanh nghiệp”, “lắp đặt trạm quan trắc chất lượng không khí”, “sử dụng năng lượng tái tạo”, “giảm thiểu sử dụng nhựa trong quá trình sản xuất và đóng gói”...

Theo Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh, sự nỗ lực này không chỉ giúp nâng cao chỉ số PGI mà còn góp phần xây dựng một môi trường sống và làm việc bền vững cho cộng đồng.

Chỉ số xanh cấp tỉnh (Provincial Green Index - PGI) do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam khởi xướng với sự hỗ trợ của USAID và một số đối tác tư nhân nhằm chuyển tải mức độ quan trọng của bảo vệ môi trường trong quỹ đạo tăng trưởng Việt Nam. Chỉ số PGI được thiết kế nhằm cung cấp thông tin đầu vào từ thực tiễn kinh doanh để hỗ trợ chính quyền các tỉnh, thành phố trong công tác quản trị môi trường, cân bằng giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế và bền vững môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Ninh: Hướng tới xanh hóa nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO