Kinh tế địa phương

Tây Ninh nâng cao giá trị sản phẩm OCOP

Thùy Linh 09/01/2025 13:54

Tây Ninh hiện có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Việc xây dựng chuỗi giá trị là yếu tố quyết định giúp nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP.

Ngành Nông nghiệp phối hợp các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia kết nối tiêu thụ nông sản tại các hội chợ, sự kiện.
Ngành Nông nghiệp phối hợp các đơn vị hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tham gia kết nối tiêu thụ nông sản tại các hội chợ, sự kiện.

Tính đến cuối năm 2024, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó: 97 sản phẩm 3 sao, 36 sản phẩm 4 sao (trong đó có 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao, đang trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia) và 6 sản phẩm đề xuất 4 sao đang được Tổ tư vấn Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tây Ninh đánh giá.

Các sản phẩm OCOP của Tây Ninh đã có bước cải tiến về chất lượng, mẫu mã, bao bì bảo đảm điều kiện quy định về tem, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong năm, tỉnh đã hỗ trợ 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh cho 2 hộ kinh doanh là cửa hàng OCOP TG và Vạn Linh Hương; hỗ trợ chi phí bao bì, in tem cho 8 sản phẩm, với tổng kinh phí hỗ trợ khoảng 247,5 triệu đồng.

Phơi bánh đa tại cơ sở Thế Anh, huyện Gò Dầu.
Phơi bánh đa tại cơ sở Thế Anh, huyện Gò Dầu.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh, để phát triển sản phẩm OCOP một cách bền vững, Tây Ninh đã và đang tập trung vào chính sách liên kết sản xuất giữa nông dân, doanh nghiệp và các hợp tác xã. Các chuỗi liên kết giúp người dân tiếp cận với kỹ thuật sản xuất tiên tiến, đồng thời bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP. Các hợp tác xã cũng đóng vai trò cầu nối quan trọng trong việc thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, giúp nông dân yên tâm sản xuất, không lo ngại về đầu ra của sản phẩm.

Bên cạnh đó, việc xây dựng chuỗi giá trị là yếu tố quyết định giúp nâng cao giá trị của sản phẩm OCOP. Các sản phẩm không chỉ dừng lại ở khâu trồng trọt, mà còn được đưa vào các giai đoạn như chế biến sâu, đóng gói và phân phối. Điều này giúp sản phẩm OCOP Tây Ninh không chỉ có chất lượng tốt mà còn có hình thức bắt mắt, tạo sức hút mạnh mẽ với thị trường tiêu dùng.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ giới thiệu các sản phẩm OCOP thông qua các sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến, bán hàng tương tác trực tiếp; phối hợp giới thiệu các chủ thể tham gia hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm OCOP trên các phương tiện thông tin; tham gia hội chợ trưng bày sản phẩm OCOP do tỉnh và địa phương khác tổ chức

Để khuyến khích người dân, doanh nghiệp đẩy mạnh phát triển các sản phẩm OCOP chất lượng, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 73/2024/NQ-HĐND ngày 28/5/2024 quy định một số nội dung chi, mức hỗ trợ thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2024-2025. Trong đó, có chi hỗ trợ điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP của tỉnh; chi hỗ trợ xây dựng và đăng ký nhãn hiệu các sản phẩm OCOP; chi hỗ trợ chi phí bao bì, in tem...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Tây Ninh nâng cao giá trị sản phẩm OCOP
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO