Năm 2025, Tây Ninh tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, phấn đấu đạt mức tăng trưởng 10%, tạo tiền đề, động lực cho tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số qua các năm.
Hội đồng nhân dân tỉnh Tây Ninh vừa ban hành Nghị quyết số 219/NQ-HĐND ngày 20/2/2024 về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 từ mức 8% lên mức phấn đấu đạt 10%.
Việc đề ra mức phấn đấu tăng trưởng GRDP năm 2025 đạt 10%, cao hơn tốc độ tăng trưởng do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 25/NQ-CP tăng 8%, nhằm tạo tiền đề, động lực cho tăng trưởng giai đoạn 2026-2030 đạt hai con số qua các năm.
Theo đó, để thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra, tỉnh tập trung phát huy các kết quả đã đạt được, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác lãnh đạo, điều hành; bám sát chủ trương, chỉ đạo, định hướng của Trung ương và Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày 5/2/2025 của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.
Tây Ninh tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020 - 2025, Nghị quyết HĐND tỉnh về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) 5 năm 2021 - 2025 và các chương trình đột phá để phát triển kinh tế xã hội, phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.
Triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các định hướng phát triển tại Quy hoạch vùng Đông Nam bộ. Tập trung hoàn thành các đồ án quy hoạch đô thị làm cơ sở để nâng loại đô thị, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ đô thị hóa đạt 50% trở lên.
Ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài sau khi được phê duyệt, đồng thời, trình Bộ Chính trị cho chủ trương thực hiện một số cơ chế, chính sách vượt trội, đột phá áp dụng cho các Khu Kinh tế cửa khẩu. Đẩy nhanh tiến độ lập, hoàn thiện, trình phê duyệt đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát và quy hoạch chi tiết các cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh cũng đề xuất Trung ương hỗ trợ nguồn vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước năm 2024 để triển khai thực hiện các dự án trọng điểm, tạo động lực phát triển, mở rộng không gian kinh tế Vùng: hành lang kinh tế Tây Ninh – Bình Dương, dự án Tưới tiêu phía Tây sông Vàm Cỏ Đông.
Để tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho doanh nghiệp, cùng với đẩy mạnh cải cách hành chính một cách đồng bộ, toàn diện, tỉnh Tây Ninh tiếp tục phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư, thúc đầy sản xuất, kinh doanh, tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng.
Đồng thời, theo dõi, đôn đốc, hỗ trợ nhà đầu tư đầy nhanh tiến độ triển khai, sớm hoàn thành đầu tư hạ tầng và đưa vào khai thác khu công nghiệp Hiệp Thạnh, Khu công nghiệp Phước Đông giai đoạn 3, cụm công nghiệp Tân Phú, cụm công nghiệp Tân Hội 2, các dự án điện mặt trời Dầu Tiếng 5, các công trình, dự án truyền tải, phân phối điện, bảo đảm cung ứng đủ điện cho sản xuất kinh doanh… Hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng lộ 4 trình phối hợp, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai, sớm đưa vào hoạt động các dự án đầu tư thuộc Khu du lịch quốc gia núi Bà Đen và khu vực phụ cận; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án Bảo vệ phát triển rừng kết hợp với phát triển du lịch sinh thái đảo Nhím – hồ Dầu Tiếng.
Cùng với việc khẩn trương phê duyệt đồ án quy hoạch, đầu tư, mời gọi đầu tư các dự án Khu đô thị mới kết hợp chức năng thể thao, sân golf, sinh thái, nghỉ dưỡng Bến Sắn tại huyện Gò Dầu, Khu đô thị mới Bàu Năng, Khu đô thị - dịch vụ cầu Trưởng Chừa tại thị xã Trảng Bàng, Khu phức hợp nhà ở, trung tâm thương mại, thu hút dự án thương mại – dịch vụ khu đất công các vị trí trung tâm thành phố Tây Ninh, thị xã, thị trấn… tỉnh cũng tập trung xây dựng Quy trình tiếp nhận cho ý kiến đối với các dự án đề xuất đầu tư theo hướng tỉnh gọn “một đầu mối tiếp nhận và một lần cho ý kiến, chủ trương” và Quy trình thống nhất hỗ trợ giải quyết thủ tục cho nhà đầu tư sau khi có chủ trương đầu tư và công nhận nhà đầu tư để sớm đưa dự án đi vào hoạt động.
Năm 2025, Tây Ninh phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trong tỉnh đạt 10%. Cơ cấu ngành kinh tế trong GRDP: nông - lâm - thuỷ sản 18%-19%; công nghiệp - xây dựng 46%-47%; dịch vụ 30%-31%. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GRDP đạt 37%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 13.158 tỷ đồng. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh bằng 36% GRDP.