“Telegram sẽ không bao giờ bán quảng cáo. Chúng tôi tập trung vào ứng dụng chat nhanh, bảo mật và 100% free", Pavel Durov – CEO của Telegram từng tuyên bố nhưng bây giờ có lẽ mọi thứ đã khác…
Thứ thay đổi ở đây là thời điểm này, họ đã “tiếp cận” con số 500 triệu người dùng thường xuyên và đang cần lên cho mình một kế hoạch tạo ra doanh thu bắt đầu từ năm sau để duy trì hoạt động kinh doanh.
Telegram đang sở hữu 500 triệu người dùng thường xuyên và bắt đầu nghĩ đến việc kiếm tiền.
Thực tế, Telegram là một ứng dụng rất đặc biệt, đặc biệt từ việc cách thức hoạt động cho đến những trải nghiệm người dùng. Họ đặc biệt nhấn mạnh về quyền riêng tư cho người dùng, nhưng bên cạnh đó vẫn đáp ứng được những trải nghiệm ngon lành xuyên suốt của nền tảng.
Telegram được ra đời năm 2013 bởi hai người anh em Pavel và Nikolai Durov. Ở Nga, Pavel Durov từng được xem như là Mark Zuckerberg khi sáng lập nên mạng xã hội VKontakte (VK). Mạng xã hội này khá phổ biến ở Nga, tuy nhiên sau khi chính phủ của Vladimir V. Putin siết chặt kiểm soát VK và đưa ra một số yêu cầu tiết lộ thông tin thì Pavel Durov không chấp nhận, anh đã ra đi.
Pavel bán hết số cổ phần còn lại của mình ở VK cho hãng Mail.ru và rời khỏi Nga vào năm 2014 với số tiền khoảng 300 triệu USD. Khi ra nước ngoài, anh tiếp tục phát triển nền tảng Telegram.
Như trên đã nói, Telegram là một ứng dụng tin nhắn nhanh rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ nó không có … trụ sở cố định. Team của Pavel bao gồm các kỹ sư phần mềm luôn di chuyển giữa các nước mà không có điểm cố định. Tuần này nhóm có thể ở Paris, vài tuần sau có thể đã sang Singapore làm việc, rồi tuần sau nữa có thể sang Dubia (hiện tại họ đang đóng ở Dubai nhưng sẵn sàng đổi vị trí nếu luật pháp thay đổi).
Và một điều rất khác biệt ở Telegram là việc họ “nói không với quảng cáo” hay chấp nhận việc bán dữ liệu của người dùng. Tham vọng của Pavel là tạo ra một “ứng dụng chat nhanh, tuyệt đối bảo mật và 100% free". Pavel Durov là người sáng lập và cũng là mạnh thường quân duy nhất, cung cấp cho Telegram một khoảng tiền "rộng rãi để hoạt động” trong 7 năm qua.
Bản thân Telegram có 2 thứ đặc biệt quan trọng: Thứ nhất là bảo vệ các cuộc hội thoại của người dùng với những bên có thể xem lén, như các hacker, công ty, nhà tuyển dụng và bất kì bên nào khác muốn xem được nội dung chat. Thứ hai là bảo vệ dữ liệu riêng tư người dùng khỏi các bên thứ ba như nhà quảng cáo, marketer...
Năm 2018, Telegram đã từng công bố kế hoạch gọi vốn thông qua việc bán các token ra thị trường (ICO) với tên gọi Gram - đây cũng là một loại tiền mã hóa (cryptocurrency). Tuy nhiên, năm 2019, Telegram đã bị Ủy ban chứng khoán Mỹ đã “sờ gáy”. Pavel đã phải dừng việc mở bán 1,7 tỷ USD token và đề nghị trả lại 1,2 tỷ USD cho các nhà đầu tư vào đầu năm nay.
Năm 2018, Telegram đã từng công bố kế hoạch gọi vốn thông qua việc bán các token ra thị trường (ICO) với tên gọi Gram nhưng đã thất bại.
Nhưng giờ đây, khi Telegram đã có 500 triệu người dùng trong tay và họ đang lên kế hoạch tạo ra doanh thu từ quảng cáo để duy trì hoạt động kinh doanh. Pavel Durov cho rằng, một dự án quy mô cần ít nhất vài trăm triệu đô la mỗi năm để tiếp tục trang trải chi phí máy chủ và lưu lượng truy cập.
“Nếu chúng tôi kiếm tiền từ các kênh công khai lớn thông qua nền tảng quảng cáo, chủ sở hữu của các kênh này sẽ nhận được lưu lượng truy cập miễn phí tương ứng với quy mô của họ,” Pavel cho biết.
Nói một cách khác, Telegram có một khía cạnh mạng xã hội. Các kênh công khai khổng lồ có hàng triệu người đăng ký mỗi kênh và giống như nguồn cấp dữ liệu của Twitter. Ở nhiều thị trường, chủ sở hữu của các kênh như vậy hiển thị quảng cáo để kiếm tiền, đôi khi sử dụng nền tảng quảng cáo của bên thứ ba. Telegram sẽ giới thiệu nền tảng quảng cáo của riêng họ cho các kênh công khai.
Pavel Durov chia sẻ: “Dù sao chúng tôi cũng sẽ không bán mình giống như WhatsApp. Thế giới cần một Telegram độc lập với tư cách là nơi người dùng được tôn trọng và dịch vụ chất lượng cao được đảm bảo. Telegram sẽ bắt đầu tạo ra doanh thu từ năm sau. Chúng tôi sẽ làm điều đó theo đúng giá trị và những cam kết đã thực hiện trong 7 năm qua. Và nhờ quy mô hiện tại, chúng tôi sẽ có thể làm điều đó theo một cách không xâm phạm. Hầu hết người dùng sẽ khó nhận thấy bất kỳ sự thay đổi nào”.
Pavel Durov nói thêm, tất cả các tính năng hiện có sẽ vẫn miễn phí, Telegram cũng cam kết không giới thiệu quảng cáo trong các cuộc trò chuyện riêng tư một đối một hoặc trò chuyện nhóm vì chúng là một “ý tưởng tồi”.
Có thể bạn quan tâm