Công nghệ ngày nay luôn gắn liền với cuộc sống và mang đến nhiều sự thay đổi trong xã hội. Với Tết cổ truyền, công nghệ số đã làm thay đổi như thế nào?
>>> [CẢM XÚC XUÂN] Tết này lại nhớ tết xưa...
Từ nhiều đời nay, Tết cổ truyền đã trở thành một truyền thống văn hóa thiêng liêng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Việt, chứa đựng bên trong những giá trị ý nghĩa và nhân văn. Cùng với dòng chảy của thời đại, Tết cổ truyền thời nay đã biến chuyển mạnh mẽ, mang đến những sắc thái mới mẻ, đa dạng, phong phú hơn với việc công nghệ 4.0 hoà nhập và tham gia kết nối hầu hết các hoạt động Tết cổ truyền.
Mua sắm Tết
Với công nghệ số, mua sắm Tết hiện nay không còn là nỗi “ám ảnh” với nhiều người, đặc biệt đối với phái nữ “tề gia nội trợ”.
Theo đó, ở thời đại công nghệ, việc mua sắm Tết đã trở nên vô cùng đơn giản khi có sự hỗ trợ của các trang bán hàng trực tuyến. Người dùng có thể mua sắm online bất cứ thứ gì, bất cứ nơi đâu, từ thực phẩm, đồ uống, bánh kẹo, quần áo,… chỉ bằng những thao tác đơn giản trên điện thoại thông minh, hay những cái nhấp chuột trên máy tính. Hàng hóa sẽ được giao đến tận nhà, tiết kiệm được nhiều thời gian và công sức hơn.
Gói bánh chưng
Tục gói chưng ngày Tết đã trở thành nét văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, được lưu truyền qua nhiều thế hệ người Việt, thể hiện nét đẹp của nền văn minh lúa nước. Mỗi khi Tết đến xuân về, người người, nhà nhà lại gói bánh chưng ăn Tết, dâng bánh lên bàn thờ tổ tiên.
Tuy nhiên, việc gói bánh chưng ngày nay cũng được “hỗ trợ” khá nhiều từ công nghệ. Những người trẻ tuổi muốn gói bánh chưng, họ có thể lên mạng internet tìm kiếm những video hướng dẫn cách gói bánh, luộc bánh sao cho đẹp và nhanh nhất. Việc luộc bánh cũng được đơn giản hóa rất nhiều nhờ những chiếc nồi bằng điện.
Dọn dẹp nhà cửa cuối năm
Cuối năm là khoảng thời gian tất bật để dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón Tết. Ở thời công nghệ số, đã có rất nhiều ứng dụng về các dịch vụ dọn dẹp vệ sinh nhà, người dùng có thể “book” các dịch vụ này và chỉ cần thảnh thơi chờ Tết.
Đối với những gia đình muốn tự dọn dẹp, trang trí nhà để cảm nhận được không khí Tết thì những món đồ công nghệ như: máy giặt, máy hút bụi, máy lau nhà, máy rửa chén… cũng giúp những công việc tay chân như dọn dẹp nhà để đón Tết cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Chúc Tết
Chúc Tết là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân Việt Nam với mong muốn một năm gặp nhiều may mắn, sức khỏe dồi dào đến với người thân. Với những người xa quê không có điều kiện để về thăm và chúc Tết gia đình bạn bè, nhờ công nghệ, họ có thể thông qua internet và mạng xã hội để nhắn tin cho nhau hay thậm chí là gọi và nhìn mặt nhau để chúc Tết. Đây là một điều rất hay mà công nghệ mang lại, đó cũng là một niềm an ủi cho những người con xa quê.
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến cho rằng, việc chúc Tết bằng công nghệ không nên lạm dụng quá nhiều, bởi sẽ làm mất đi hình ảnh đẹp và ý nghĩa lớn lao của việc này, đặc biệt đối với giới trẻ.
>>> Giá trị Tết
>>> Không khí Tết Việt thật sôi động và ấm áp tình người!
Trò chơi dịp Tết
Tết xưa cũng là dịp mọi người quây quần bên nhau, cùng tham gia các trò chơi dân gian truyền thống như đánh bài, ô ăn quan,…
Ngày nay, những trò chơi dân gian ấy vẫn còn được giữ lại, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều hình thức giải trí công nghệ xuất hiện.
Ngoài cùng nhau chơi các trò chơi điện tử, mọi người còn có thể cùng hát karaoke hay đơn giản là sử dụng một chiếc loa di động để bật nhạc và cùng nhau thưởng thức văn hóa âm nhạc.
"Trải qua bao biến thiên của thời đại, đến nay, Tết Việt đã có nhiều thay đổi. Những thay đổi đó cũng tác động đến suy nghĩ và nhận thức của các thế hệ sau này. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của Tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Bởi vậy, mỗi người dân dù đang sinh sống trên đất nước mình, hay học tập, công tác và định cư ở nước ngoài cần bảo tồn và phát huy những nét truyền thống văn hóa của Tết Việt. Đồng thời, chúng ta cũng cần phê phán, đấu tranh loại bỏ những hủ tục lạc hậu trong dịp Tết Nguyên đán, như: Hoạt động mê tín dị đoan; nạn cờ bạc, rượu chè; các lễ hội phản cảm, tốn kém; các hiện tượng gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội." - PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn phát huy văn hóa Việt Nam. |
Có thể bạn quan tâm