Đang hiển thị
Tỉnh thành khác
Thời điểm giáp Tết, dịch vụ đổi tiền mới, tiền lì xì Tết luôn sôi động trên mạng xã hội. Các cơ quan chức năng cũng đã liên tục cảnh báo đây là hành vi vi phạm pháp luật và tiềm ẩn nhiều rủi ro…
Nếu như trước đây, cứ gần Tết, hàng loạt các quầy đổi tiền lẻ, tiền mới xuất hiện ở các khu vực đền chùa, miếu mạo hoặc tuyến phố chính và gần Hồ Gươm, thì mấy năm trở lại đây, các dịch vụ này có vẻ đã rút vào hoạt động bí mật hơn. Nhưng thay vào đó, thì dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới lại sôi động trên mạng xã hội. Chỉ cần gõ tìm kiếm dòng chữ “đổi tiền lẻ, tiền mới”, sẽ hiện ra hàng loạt các trang rao bán dịch vụ này và nhiều hội nhóm đổi tiền lẻ, tiền mới lên tới 20 – 30 nghìn thành viên.
>>Nở rộ bẫy lừa “hỗ trợ lấy lại tiền bị lừa đảo”
Cẩn trọng “bẫy” đổi tiền
Theo quảng cáo, khách hàng muốn loại gì cũng có, đủ tờ, nguyên seri, nguyên cọc. Bên cạnh những lời mời chào hấp dẫn như "phí đổi thấp", "cam kết tiền thật", "tiền nguyên seri", mức chênh lệch cạnh tranh... để thu hút sự quan tâm của người có nhu cầu, họ còn sẵn sàng giao tiền tận nơi và cho kiểm tra trước khi nhận tiền. Việc thỏa thuận giá chênh lệch, mệnh giá tiền cần đổi, số lượng, địa chỉ giao nhận... được trao đổi qua tin nhắn.
Theo khảo sát của phóng viên, phí đổi tiền mới tùy theo mệnh giá, càng nhỏ thì phí càng cao. Trong một hội nhóm, một thành viên quảng cáo mức phí đổi tiền mệnh giá 100.000 - 200.000 - 500.000 đồng phí 3 - 5%; tiền mệnh giá 10.000 - 50.000 tính phí 5%; mệnh giá tiền 5.000 đồng mất phí 12%; mệnh giá 1.000 - 2.000 đồng thường là 20%. Đối với một số tờ tiền có số seri đẹp hay theo ngày sinh thì mức phí đổi tiền này có thể cao hơn, dao động từ 30 - 35%.
Đáng chú ý, đặc điểm của hoạt động đổi tiền online là thường giao dịch qua mạng xã hội. Khách hàng muốn đổi tiền có thể chuyển khoản từ 30 - 50% tổng số tiền cần đổi, cung cấp địa chỉ, sẽ có người đến tận nơi giao tiền mới và khách hàng thanh toán nốt số tiền còn lại.
Tuy nhiên, việc đổi tiền mới, tiền lẻ trên không gian mạng luôn tiềm ẩn nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bởi đã có những trường hợp khách hàng bị lừa bởi các chiêu trò như đổi thiếu tiền, hay "lấy tiền thật mua tiền giả".
Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, chị Nguyễn Thị Hảo (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cho biết, trước đây thường nhờ người quen đổi tiền mới để mừng tuổi dịp tết. Năm nay do không nhờ đổi được nên chị Hảo đã tìm chỗ đổi tiền trước tết để có giá rẻ hơn. Theo đó, chị Hảo đổi 5 triệu đồng tiền 20.000 đồng, phí là 350.000 đồng.
“Vậy nhưng, khi đếm lại, tôi thấy thiếu 200.000 đồng và bên trong lõi có nhiều tờ tiền cũ độn vào. Khi gọi điện hỏi người đổi tiền, họ bảo là nhận tiền thì phải kiểm ngay, nếu đã mang về nhà thì tự chịu trách nhiệm. Ai đang có nhu cầu đổi tiền mới thì cảnh giác chứ lừa đảo nhan nhản", chị Hảo chia sẻ.
Trong hoàn cảnh tương tự, đầu tuần vừa qua, thông qua một hội nhóm Facebook chuyên đổi tiền nước ngoài và tiền mới phục vụ dịp Tết, chị Vũ Minh Thư (trú tại Đống Đa, Hà Nội) tìm đến mội chủ shop chuyên nhận đổi tiền có tên Tuấn Nguyễn.
Chị Thư kể lại, ban đầu chị đặt vấn đề đổi 2 triệu đồng tiền mới có mệnh giá 10 nghìn đồng, nếu thuận lợi sẽ tiến hành giao dịch tiếp 5 triệu đồng tiền mới có mệnh giá 50 nghìn đồng. Phía nhận dịch vụ đưa ra mức phí là 4% và yêu cầu chị Thư phải đặt cọc trước 1 triệu đồng để đảm bảo. Bán tín bán nghi, chị kiểm tra tài khoản ngân hàng của người nhận và vào trang cá nhân của người này để tìm hiểu.
“Mình thấy họ chụp ảnh cả gia đình, ảnh đại diện khá uy tín và các bài đăng trên trang cũng thấy nhiều khách hàng phản hồi tích cực. Do vậy bản thân đã tin tưởng chuyển tiền” - chị Thư nói.
Sau lần một giao dịch thành công, chị tiếp tục được chủ tài khoản có tên Tuấn Nguyễn yêu cầu chuyển tiền để giao dịch nốt số 5 triệu đồng tiền mới còn lại. Mang tâm lý không còn lo lắng bị lừa, chị ngay lập tức chuyển đủ số tiền cần giao dịch. Nhưng ngay sau lần chuyển tiền này, chủ tài khoản Tuấn Nguyễn đã chặn mọi liên lạc với chị và khóa tài khoản mạng xã hội.
Đáng nói, trên đây chỉ là hai trường hợp điển hình bị lừa với “bẫy” đổi tiền dịp Tết nhưng những trường hợp này vẫn còn may mắn bởi khoản tiền bị mất không lớn. Thực tế đã có những trường hợp bị mất hàng tỷ đồng.
>>Tránh “bẫy lừa” huy động vốn
Vi phạm pháp luật
Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Nguyễn Đức Biên – Giám đốc Công ty Luật Đại La cho biết, theo quy định tại Điều 12 và 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN ngày 2/12/2013 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thì chỉ có NHNN, Chi nhánh, Sở Giao dịch NHNN, Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, Kho bạc Nhà nước mới có chức năng thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông. Ngoài quy định trên đây thì không có quy định nào khác về việc thu đổi tiền.
“Như vậy, hiện pháp luật chỉ mới có quy định về việc thu đổi tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ chưa có quy định về việc thu đổi tiền vẫn đang đủ tiêu chuẩn lưu thông để lấy tiền mới. Và chỉ có các tổ chức đã nêu trên mới có chức năng thu đổi tiền.
Thực tế đang có 2 quan điểm về loại tiền nào được thu đổi và tổ chức nào được quyền thu đổi. Quan điểm thứ nhất cho rằng, nếu căn cứ vào nguyên tắc "công dân được làm tất cả những gì pháp luật không cấm" thì việc đổi tiền mới trong dịp Tết không phải là hành vi vi phạm pháp luật. Quan điểm thứ hai thì dựa vào quy định "chỉ được thu đổi tiền không đủ điều kiện lưu thông" để cho rằng mọi hành vi thu đổi tiền vẫn đủ điều kiện lưu thông đều là hành vi trái pháp luật. Với quan điểm này thì hành vi đổi tiền mới trong dịp Tết do mọi cá nhân, tổ chức, kể cả ngân hàng, đều có thể bị xử lý theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 30 Nghị định 88/2019/NĐ-CP. Theo đó, hành vi thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật có thể bị phạt từ 20 đến 40 triệu đồng”, luật sư Biên cho biết
Về phía cơ quan quản lý, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã ký ban hành Công điện 01/CĐ-NHNN, yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng tăng cường phối hợp kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm hành vi vi phạm trong mua bán ngoại tệ, vàng và đổi tiền không đúng quy định. NHNN khuyến cáo người dân cần cẩn trọng với dịch vụ đổi tiền lấy phí đang diễn ra trên mạng vì không những vi phạm pháp luật mà còn có nguy cơ gặp phải tiền giả, hoặc bị "bùng" tiền đặt cọc.
Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, yêu cầu cán bộ ngân hàng không được trực tiếp hoặc gián tiếp tiếp tay cho những đối tượng đổi tiền mới hưởng chênh lệch giá. NHNN sẽ tiếp nhận phản ánh và phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan để quản lý tốt, hạn chế sai phạm phát sinh, bảo đảm an ninh, an toàn tiền tệ, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Có thể bạn quan tâm