Chuyện lì xì cho trẻ nhỏ vốn là một phong tục truyền thống với nhiều ý nghĩa tốt đẹp trong dịp Tết Nguyên đán, thế nhưng giờ đây lại là chuyện khiến nhiều người đau đầu, thậm chí phải “toát mồ hôi”…
Tết về, đặc biệt là trong một năm bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, nhiều người lại đau đầu về chuyện lì xì Tết cho trẻ. Không chỉ suy nghĩ về "ruột" của bao lì xì mà còn lo lắng về ứng xử của trẻ nhỏ khi nhận tiền mừng tuổi.
Một người bạn của tôi chia sẻ, đã gặp nhiều trường hợp khi nhận lì xì Tết, trẻ chỉ chăm chú mở xem “ruột” được bao nhiêu tiền. Theo bạn tôi, dù trong phong bì mừng tuổi có bao nhiêu thì người tặng cũng không khỏi cảm thấy ngại ngùng.
Sau Tết Dương lịch, những người có khoản tiền ra tấm ra món, thì có thể dành vài chục triệu trở lên để lo đổi những cọc tiền mới tinh. Cả năm mới có một lần, năm mới, mừng tuổi cho các cháu ruột cũng phải có tờ 500 nghìn mới xứng đáng. Tờ 200 nghìn cho các cháu họ hàng gần, tờ 100-50 nghìn cho các cháu con bạn bè, tờ 20-10 nghìn trở xuống để đi lễ chùa.
Đấy mới là loại tiền. Sau đó, phải cân đối số lượng cho đủ. Ví dụ, có người mừng cho con mình tờ 200 nghìn, mà số tiền 200-100 nghìn của mình hết rồi, để bốn tờ 50 nghìn không hay lắm. Hoặc đem theo có mấy tờ 50 nghìn, mà số cháu cần mừng tuổi lên tới cả chục, phải rút thêm mấy tờ 100 thì “lỗ vốn”.
Thành ra người có kinh nghiệm đi chúc Tết là bên cạnh những phong bao đã có sẵn tiền, cũng phải chuẩn bị sẵn xấp tiền mệnh giá tương đương kèm phong bao trống bên ngoài, hoặc tiền mệnh giá thấp hơn ở mức liền kề, để khi cần, dễ… ứng biến, ví dụ gộp hai tờ 50 nghìn thành 100 nghìn..
Nói đến những người thưởng Tết chỉ dăm ba triệu đồng mới thật sự mệt mỏi. Tiền tiêu Tết còn chưa đủ, lấy đâu mà đổi. Ấy là chưa kể hàng triệu người khác như công nhân viên chức, Tết chỉ được thêm có vài trăm nghìn đồng, người lao động tự do không có thưởng Tết, hay các cụ về hưu…
Dù Tết không có thêm thu nhập nhưng ai cũng phải trích ra một khoản tiền, nhờ người đổi tiền mới để mừng tuổi cho con cháu. Tết nhất các cháu đến chúc Tết không mừng tuổi hoặc chỉ mừng từ 10-20 nghìn có vẻ khó coi.
Cũng có nhiều người tân tiến, quyết không mừng tuổi trẻ con nữa. Nhưng đó là người chưa có con thì dễ, chứ có con rồi, người ta cứ mừng tuổi con mình, chả lẽ lại bắt các cháu cũng kiên quyết không nhận. Hoặc nếu chỉ mừng tuổi vài tờ tiền bé “lấy may” thì chuyện trẻ con nhận bao lì xì xong mở ra xem, so sánh và bình luận, cũng không phải chuyện hiếm. Và cũng có không ít người quan niệm quan hệ càng thân thiết phải lì xì càng nhiều tiền.
Tin rằng, sẽ có không nhiều người biết rõ về nguồn gốc của tục lì xì đầu năm, Chuyện kể rằng ngày xưa, ở Đông Hải có rất nhiều yêu quái gây hại bá tánh. Ngày thường, chúng sẽ bị thần tiên trấn yểm, tuy nhiên, nhân thời điểm giao thừa khi các vị thần về trời, chúng lại thỏa trí lộng hành, quấy rối trẻ em đang ngủ say. Lũ trẻ giật mình, khóc thét và sốt khiến bố mẹ chúng lo lắng, trông canh mà chẳng thể yên giấc.
Một lần, 8 vị tiên đi ngang thấy vậy liền hóa thành những đồng tiền nằm bên chỗ mấy đứa trẻ, cha mẹ chúng cũng đem gói những đồng tiền này vào tấm vải đỏ để xua đuổi yêu quái. Không ngờ phép lạ ấy lại thật sự hữu dụng. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến nó sợ phải bỏ chạy.
Câu chuyện này nhanh chóng lan truyền khắp nhân gian. Từ đó, mỗi lần Tết đến, người ta lại bỏ tiền vào trong những cái túi màu đỏ tặng trẻ con, để chúc trẻ chóng lớn và khỏe mạnh. Hành động đó chính là lì xì, hay còn gọi là mừng tuổi đầu năm mới.
Thế nhưng, giờ đây đã qua rồi cái thời những phong bao lì xì được xếp gọn gàng, tinh tươm, từng tờ tiền được gia chủ nhét vào bao lì xì ngay ngắn, không quên chuẩn bị những lời chúc mừng năm mới tốt đẹp đến cho người nhận. Cuộc sống ngày càng đổi thay, những bao lì xì ngày càng muôn màu muôn vẻ nhưng những tờ tiền sao vội vàng, vồn vã: cứ nhận đã rồi xem bao nhiêu mà liệu đáp lại. Người ta đổ lỗi cho một xã hội vật chất, nơi giá trị của tờ tiền quan trọng hơn ý nghĩa của hành động lì xì. Tiền mừng tuổi trao đi cho những đứa trẻ, người già đầu năm nhưng cái “tâm” đôi khi lại đặt vào người lớn.
Không ai so đo thiệt hơn với lời chúc mừng đầu năm nhưng khi mất dần đi cái ý nghĩa tốt lành ban đầu, lì xì trở thành một “áp lực”. Một vòng xoay luẩn quẩn cứ dồn dập trong suy nghĩ của những người trưởng thành; người đi mừng tuổi sẽ nghĩ “như này có ít quá không? người ta có nghĩ mừng như này thì đủ chưa nhỉ?” còn người được nhận thì tự hỏi “họ mừng tuổi con mình như này thì mình nên mừng tuổi lại bao nhiêu? nhà đấy có bao nhiêu con?”. Một xã hội xoay vần với suy nghĩ ấy gieo từ đầu người này sang đầu người kia, từ người lớn cho tới lũ trẻ, đến khi Tết hết, ai đó khẽ thở phào.
Áp lực vô hình cứ thế xuất hiện, dù không ai nói với ai!
Diễn đàn Doanh nghiệp mở diễn đàn “CẢM XÚC XUÂN” nhằm ôn cố tri tân về mùa xuân; về thiên nhiên, con người, xã hội, và các vấn đề nóng bỏng của đất nước, địa phương bằng tinh thần hân hoan để tiễn biệt năm cũ, chào đón năm mới 2021. Bài vở xin gửi về hòm thư camxucxuan@dddn.com.vn. Tác giả để lại địa chỉ và số điện thoại để chúng tôi tiện liên hệ. Trân trọng cảm ơn. |
Có thể bạn quan tâm
13:48, 12/02/2021
05:20, 12/02/2021
05:17, 12/02/2021
05:00, 12/02/2021
23:00, 11/02/2021
18:23, 11/02/2021
15:02, 11/02/2021
05:14, 11/02/2021
15:05, 10/02/2021
11:02, 10/02/2021